Đại diện Bộ Y tế không rõ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình được phép chạy thận hay không
Pháp đình - Ngày đăng : 20:07, 22/05/2018
Phiên tòa chiều 22-5. Ảnh: Anh Phú |
Ngay trong phiên khai mạc xét xử sơ thẩm tai biến chạy thận tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hòa Bình, các luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương đã đề nghị hội đồng xét xử triệu tập đại diện Bộ Y tế để làm rõ một số quy trình, quy định đang có hiệu lực liên quan đến vụ án.
Đồng thời, triệu tập Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hòa Bình, đại diện Sở Y tế Hòa Bình để làm rõ việc ký hợp đồng lắp đặt vật tư, làm rõ việc có hay không sự "lách luật" gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, đến ngày 22-5 (1 tuần sau khi phiên sơ thẩm diễn ra), đại diện Bộ Y tế mới có mặt tại phiên tòa, gồm ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh và ông Trịnh Đức Nam, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế.
Ông Nguyễn Huy Quang, đại diện Bộ Y tế có mặt tại tòa vào chiều 22-5. Ảnh: Anh Phú |
Ông Nguyễn Huy Quang giải thích sự có mặt muộn của Bộ Y tế tại phiên tòa: Ngày 22-5, ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình gọi điện về Bộ Y tế thông báo về sự có mặt của đại diện Bộ Y tế tại phiên tòa. Ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chỉ đạo các vụ, cục liên quan tới tham gia phiên tòa sơ thẩm. Do thời gian chuẩn bị quá gấp, “tôi không nắm được thông tin Bộ Y tế có cho phép BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình chạy thận nhân tạo hay không”.
Ông Quang cung cấp thêm: Hiện nay, để đảm bảo nước dùng lọc máu, Bộ Y tế đang áp dụng tiêu chuẩn của Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN). Quy trình chạy thận hiện nay tại các cơ sở y tế có 2 quy định do Bộ Y tế ban hành: Quy định lọc máu chu kì trong lọc thận nhân tạo ban hành năm 2000; Quy định số 3592 ban hành năm 2014.
Nêu quan điểm của Bộ Y tế trong vụ tai biến chạy thận, ông Nguyễn Huy Quang nói: Đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình mà còn ảnh hưởng đến ngành y tế tỉnh Hòa Bình và nền y tế cả nước. Sau sự việc, chúng tôi bên cạnh cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra còn rà soát lại hệ thống quản lý, quy trình, tiêu chuẩn chạy thận nhân tạo.
Sau khi rà soát, Bộ Y tế nhận thấy quy trình sửa chữa, bảo dưỡng, lọc rửa của các nhà sản xuất khác nhau nên Bộ Y tế thấy cần có sự thống nhất và tháng 4-2018 đã ban hành quyết định mới gồm 52 quy trình trong đó 7 quy trình liên quan lọc nước RO.
Ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết thêm: Hiện BV Bạch Mai là đơn vị đầu ngành về chạy thận nhân tạo. Bộ Y tế đã giao cho BV Bạch Mai chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực này.
Bộ Y tế không nắm được BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình có cử cán bộ đi học chạy thận nhân tạo hay không. Sự cố y khoa này thế giới cũng chưa từng gặp. Đây là điều không ai mong muốn. Do đó, Bộ Y tế mong tòa xem xét đúng hành vi để xét xử đúng người, đúng tội.