Bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật
Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 22/05/2018
Điều đó cho thấy quyết tâm của cơ quan bảo hiểm trong việc giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người lao động trước hành vi vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của doanh nghiệp trên địa bàn.
Số nợ giảm, nhưng vẫn còn cao
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội, tính đến hết tháng 4-2018, số thu của BHXH là 10.612,6 tỷ đồng, đạt 27,07% kế hoạch thu và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù số nợ đã giảm 10,7% song vẫn còn rất lớn - 2.892,6 tỷ đồng. Hiện nay, có 9/30 BHXH quận, huyện có tỷ lệ nợ từ 10% trở lên, đặc biệt huyện Mê Linh và quận Hà Đông có tỷ lệ nợ lần lượt là 13% và 12,9%. Các đơn vị có tỷ lệ nợ dưới 3% tập trung ở những huyện có ít doanh nghiệp như Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ. Trong 4 tháng đầu năm 2018, BHXH TP Hà Nội đã đôn đốc 4.058 đơn vị nợ BHXH, thu được 83,54 tỷ đồng; thực hiện 98 cuộc thanh tra, kiểm tra. Số tiền nợ trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra là 43,1 tỷ đồng. Kết quả, sau thanh tra, kiểm tra, BHXH TP Hà Nội đã thu được 14,4 tỷ đồng, đạt 33,4%. Có 3 đơn vị bị xử phạt hành chính với số tiền 215,9 triệu đồng.
Với những đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH trong nhiều năm, cơ quan bảo hiểm đã gửi văn bản đôn đốc thu nợ qua hòm thư điện tử và qua bưu điện, lập các đoàn thanh tra chuyên ngành, kiểm tra các đơn vị này trong việc thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người lao động. Cơ quan bảo hiểm cũng tiến hành phân tích các loại nợ BHXH và gửi thông tin tới các ngành để phối hợp thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu các khoản nợ đọng. Với những đơn vị nợ kéo dài từ trên một năm với số tiền nợ lớn, BHXH TP Hà Nội mời doanh nghiệp đến làm việc để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong việc thanh toán nợ, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết thanh toán khoản nợ trong thời gian sớm nhất.
Xử lý hình sự nếu không thực hiện cam kết
Trước tình trạng số nợ BHXH, BHYT của nhiều doanh nghiệp vẫn ở mức cao, BHXH TP Hà Nội đã công bố danh sách 500 đơn vị có khoản nợ kéo dài từ 6 đến 24 tháng với số tiền gần 334 tỷ đồng. BHXH TP Hà Nội cũng đã làm việc với đại diện Công an thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra thành phố, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội để thống nhất biện pháp xử lý 10 doanh nghiệp chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tổng số tiền BHXH mà 10 doanh nghiệp này đang nợ là 22,4 tỷ đồng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của 311 lao động chưa được xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và quyền được hưởng chế độ (ốm đau, thai sản, dưỡng sức…) của 76 lao động với số tiền 728 triệu đồng.
Trong cuộc đối thoại với cơ quan chức năng được tổ chức vào đầu tháng 5-2018, các doanh nghiệp nói trên (phần lớn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp, giao thông) cho biết, việc chậm đóng, nợ đọng tiền BHXH, BHYT là do doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều công trình đã hoàn thành, bàn giao nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán, dẫn đến đơn vị không có khả năng chi trả lương và nộp tiền BHXH, BHYT. Nhiều doanh nghiệp đang thiếu việc làm, gặp khó khăn về kinh phí, phải gánh khoản nợ hàng tỷ đồng sau khi tiến hành tái cơ cấu…
Giám đốc BHXH TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, mặc dù cơ quan bảo hiểm luôn chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và thực hiện nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, song, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện việc nộp số tiền nợ; BHXH TP Hà Nội ấn định thời hạn cho việc này là 1 tháng kể từ buổi đối thoại nói trên. Nếu các doanh nghiệp không thực hiện, cơ quan BHXH sẽ phối hợp với các ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ, đề nghị cơ quan công an tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Điều đáng chú ý là tại cuộc đối thoại, đại diện 10 đơn vị nợ đọng BHXH đã cam kết hoàn trả số nợ trong thời gian sớm nhất.
BHXH TP Hà Nội cho biết, khi hết thời hạn như cam kết, 2/10 doanh nghiệp nói trên đã nộp hết số tiền nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tới hết tháng 3-2018. Cụ thể, Công ty cổ phần Dược phẩm Hoa Thiên Phú - Chi nhánh Hà Nội, có 43 lao động, đã nộp số tiền hơn 500 triệu đồng; Công ty cổ phần Nền móng ĐUAFAT, có 130 lao động, đã nộp hơn 900 triệu đồng. Có 6 doanh nghiệp khác đã nộp một phần số nợ. Tuy nhiên, 2 doanh nghiệp còn lại không thực hiện nộp tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo biên bản làm việc. Đó là Công ty cổ phần Xây dựng số 12 Thăng Long - nợ hơn 6 tỷ đồng, tương đương 112 tháng nợ; Công ty cổ phần Sông Đà 207 nợ hơn 5,8 tỷ đồng, tương đương 55 tháng nợ. Việc nợ tiền đóng bảo hiểm của 2 doanh nghiệp nói trên ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của hơn 60 lao động.
Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết: BHXH TP Hà Nội sẽ tiếp tục có văn bản đôn đốc, trực tiếp tới làm việc với chủ sử dụng lao động của 8/10 doanh nghiệp còn nợ BHXH. Đến hết tháng 6-2018, các doanh nghiệp này phải hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm theo đúng biên bản đã cam kết. Riêng với 2 doanh nghiệp chưa trả nợ, đại diện BHXH Hà Nội đề nghị: Nếu không thực hiện cam kết, trong tháng 7-2018, cơ quan liên ngành sẽ chính thức chuyển hồ sơ của 2 doanh nghiệp này sang cơ quan công an để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.