TP Hồ Chí Minh: Thực hiện các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông
Giao thông - Ngày đăng : 17:19, 22/05/2018
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự ATGT địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. |
Báo cáo tại buổi làm việc, UBND quận Bình Tân cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn quận xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông (TNGT), tăng 4 vụ; làm 24 người chết, tăng 4 người và bị thương 1 người.
Với huyện Bình Chánh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 51 vụ TNGT, làm chết 52 người và bị thương 4 người, hư hỏng 74 xe. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ TNGT tăng 17 vụ, số người chết tăng 16 người và số người bị thương tăng 2 người.
Theo đánh giá của UBND huyện Bình Chánh, nguyên nhân chủ yếu do cơ sở hạ tầng giao thông chưa được hoàn thiện, nhiều tuyến đường nhỏ, chật hẹp so với lưu lượng phương tiện; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao; tình trạng người dân lưu thông không đúng phần đường, làn đường, vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn còn phổ biến; công tác xử phạt tuy được thực hiện thường xuyên nhưng kết quả đạt được chưa cao...
Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT thành phố thông tin, trong 4 tháng đầu năm 2018, về TNGT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 240 người chết, nhưng với quận Bình Tân và huyện Bình Chánh chiếm gần 30% của toàn thành phố. Do đó, thành phố cần tập trung mọi nỗ lực để hỗ trợ hai quận, huyện này. Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, để kéo giảm TNGT thời gian tới cần phải tuyên truyền bằng hình thức trực quan ở các tuyến đường cửa ngõ, trong đó giao cho từng khu quản lý giao thông đô thị (thuộc Sở Giao thông - Vận tải) phụ trách. Đồng thời, Công an thành phố khẩn trương điều tra nguyên nhân các vụ TNGT xảy ra để có giải pháp phù hợp...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, kiêm Trưởng ban ATGT thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND quận Bình Tân, huyện Bình Chánh nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm hơn trong công tác tổ chức điều hành và phối hợp thực hiện hiệu quả các giải pháp; gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong triển khai nhiệm vụ, công tác này.
Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có cơ chế phối hợp giữa chính quyền với mặt trận, đoàn thể, phát huy các mô hình tự quản; đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp cho từng đối tượng, mang tính trực quan. Bên cạnh đó, thực hiện công tác tuần tra, xử lý thường xuyên, liên tục nhằm chủ động phòng, chống ngăn ngừa các hành vi vi phạm giao thông.