34 chủ đầu tư dự án nợ hơn 3.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, thuê đất
Bất động sản - Ngày đăng : 17:10, 22/05/2018
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2012-2017, Hà Nội có 698 dự án vốn ngoài ngân sách nhà nước được thành phố giao đất, cho thuê đất. Thời gian qua, sở đã phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thành lập các đoàn thanh tra các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai và ban hành 480 kết luận. Đến nay đã có 284 kết luận thanh tra được các tổ chức, cá nhân khắc phục xong vi phạm; còn 196 kết luận thanh tra đã thực hiện được một phần, hoặc đang tiếp tục thực hiện.
Đối với 215 dự án theo Báo cáo kết quả giám sát số 53/BC-HĐND của Thường trực HĐND thành phố năm 2012, đến nay mới có 19 dự án có kết luận thanh tra được UBND thành phố ra quyết định thu hồi hoặc bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất; số còn lại đều đang thanh tra, vướng mắc về quy hoạch, chậm giải phóng mặt bằng, hoặc đang thực hiện kết luận sau thanh tra, kiến nghị thu hồi. Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn thành phố có 34 chủ đầu tư dự án nợ tiền sử dụng đất, thuê đất với số tiền hơn 3.000 tỷ đồng.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cố gắng, tham mưu cho UBND thành phố lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra các dự án chậm triển khai. Qua đó đã thu hồi 19 dự án; yêu cầu các quận, huyện khắc phục vi phạm 56 dự án. Dù vậy, Trưởng đoàn giám sát cho rằng, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chậm tham mưu cho thành phố về quy trình thu hồi các dự án chậm triển khai; chậm công khai các dự án vi phạm Luật Đất đai theo kiến nghị của HĐND thành phố. Công tác thanh kiểm tra đã được chú trọng, nhưng việc thực hiện kết luận thanh tra còn hạn chế, thiếu kiên quyết… Vì vậy, Sở cùng các sở, ngành tiếp tục cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Đất đai; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ cán bộ của ngành trước yêu cầu mới; đồng thời tăng cường “hậu kiểm” để kịp thời phát hiện những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất. Các sở, ngành sớm rà soát, hoàn chỉnh báo cáo Đoàn giám sát về các dự án theo quản lý của ngành; nêu đầy đủ thông tin dự án, quan điểm của ngành và đề xuất hướng xử lý vi phạm...
* Cùng ngày, Ban Pháp chế HĐND thành phố đã giám sát công tác chấp hành pháp luật về một số lĩnh vực trong hoạt động bổ trợ tư pháp tại huyện Sóc Sơn từ năm 2016 đến nay. Đoàn giám sát ghi nhận, huyện Sóc Sơn đã từng bước đổi mới phương pháp, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Ngoài ra, huyện cũng làm tốt công tác định giá tài sản trong tố tụng, góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết các vụ án đúng người, đúng tội.