Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp làng nghề

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:36, 22/05/2018

(HNM) - Cánh cửa hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra ngay tại “sân nhà”, trên từng sản phẩm, nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề sản xuất theo phương thức đơn lẻ, mạnh ai nấy làm...

Nhận diện những khó khăn đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (Sở Công Thương Hà Nội) đã tổ chức tập huấn khởi sự doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế… cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề trên địa bàn, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với quá trình hội nhập.



Tham gia lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và marketing tại huyện Thạch Thất do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội tổ chức, ông Ðặng Cao Năm, chủ doanh nghiệp Năm Lan (làng nghề kim khí Phùng Xá) chia sẻ: "Để đáp ứng nhu cầu cũng như thị hiếu của người tiêu dùng, những năm gần đây chúng tôi chủ động học hỏi, đầu tư công nghệ máy móc. Nhờ vậy, đến nay làng nghề cơ kim khí có hàng nghìn loại sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại và có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Buổi tập huấn đã giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề nắm bắt các văn bản quy phạm pháp luật, về chủ trương, chính sách hoạt động khuyến công, kế hoạch phát triển công nghiệp của thành phố. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, cơ sở căn cứ vào khả năng, cơ hội phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… để được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương hằng năm".

Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết, năm 2018, khuyến công Hà Nội được giao nhiệm vụ triển khai sâu rộng công tác khuyến công, phát huy thế mạnh, tạo sức bật mạnh mẽ cho ngành công nghiệp nông thôn của thành phố. Trong đó, đưa công tác khuyến công trở thành động lực thúc đẩy và đạt giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng 10%, với khoảng 98.000 tỷ đồng, giá trị sản xuất làng nghề tăng 10-12%, đạt khoảng 22.000 tỷ đồng… Phấn đấu có 450-500 lượt cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề được hỗ trợ từ công tác khuyến công… TP Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch tổ chức cho khoảng 1.500 chủ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tham gia 15 lớp tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế, thiết kế mẫu mã sản phẩm, quản trị doanh nghiệp...

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã tổ chức tập huấn giúp các cơ sở làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm hiểu những kiến thức về lập kế hoạch, phát triển ý tưởng kinh doanh, nghiên cứu và phân tích thị trường, tổ chức quản lý nhân sự, tổ chức vận hành doanh nghiệp, những vấn đề thị trường và marketing trong doanh nghiệp... Lớp tập huấn cũng dành thời gian để các học viên được trao đổi, thảo luận chia sẻ những kinh nghiệm, những giải pháp thiết thực khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quản trị kinh doanh.

Cũng theo ông Hoàng Xuân Thủy, có ba hoạt động rất cần thiết trong việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề, đó là thông tin, kết nối và huấn luyện tại chỗ. Do đó, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin về luật pháp kinh doanh, nội dung cần biết trong các Hiệp định thương mại tự do mới, thông tin thị trường... Kết nối các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cùng ngành nghề thành mạng lưới để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cùng khai thác các cơ hội. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý các doanh nghiệp lớn để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn kinh doanh… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ các làng nghề thích ứng với quá trình hội nhập.

Hiền Thanh