Phê bình tốt - định hướng đúng!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:51, 23/05/2018
Trong số này, yếu tố phê bình VHNT không phải lúc nào cũng nhận được sự quan tâm đầy đủ.
Nghị quyết 23-NQ/TƯ, ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” nêu rất rõ điều này - cả về nguyên nhân dẫn đến hạn chế và phần giải pháp xây dựng, phát triển VHNT. Văn bản có đoạn: “Hoạt động phê bình VHNT có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh, đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ, xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, văn hóa phê bình bị hạ thấp…”.
Nhận định nói trên, tiếc thay, đến gần đây vẫn là ý tứ cơ bản trong những bài phát biểu về công tác phê bình VHNT!
Phân tích bối cảnh, từ những mặt hạn chế nói chung, có thể thấy rõ hơn về sự cần thiết nâng cao chất lượng công tác phê bình VHNT. Hiện nay, trên một số báo điện tử, đặc biệt là mạng xã hội, rất dễ nhận ra sự áp đảo của dòng thông tin về “hậu trường” VHNT. Sự phản cảm, hành vi dung tục, những màn “khoe thân”, những cuộc cãi vã giữa một số nghệ sĩ và cả những người mượn danh nghệ thuật là thông tin được ưu tiên nhằm mục đích “câu view”. Về tác phẩm VHNT, nếu có, thường là những tin giới thiệu thay vì phân tích điểm hay, sự dở, những điều cần bổ khuyết. Một số tác giả có khả năng viết phê bình VHNT đã không tìm ra “đất diễn” trên báo chí, do sự hạn chế về dung lượng và có thể là nhuận bút không tương xứng...
Sự thiếu vắng của phê bình đã tạo đất diễn cho luồng dư luận xa rời chuẩn mực, thể hiện quan điểm lệch lạc trong đánh giá, nhìn nhận nhiều vấn đề trong đời sống VHNT. Những tác phẩm VHNT chất lượng không được quảng bá xứng tầm, chìm khuất sau dạng tác phẩm “mì ăn liền”. Nói khác đi, công tác phê bình đã không thể hiện đầy đủ vai trò đồng hành, thúc đẩy sáng tác, hướng dẫn dư luận và xu hướng thụ hưởng VHNT tích cực trong nhân dân.
Giải pháp xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới bao gồm nhiều nội dung, trong đó có nhiệm vụ nâng cao chất lượng phê bình VHNT. Khác với những yếu tố khác như xây dựng công trình phục vụ biểu diễn, cơ chế đãi ngộ hiền tài, cơ hội khảo sát thực tế… chủ yếu phụ thuộc vào nguồn kinh phí, việc xây dựng đội ngũ phê bình VHNT chuyên nghiệp phức tạp hơn nhiều lần. Không chỉ có tiền, chế độ đãi ngộ/nhuận bút, phần việc này đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ về công tác đào tạo, sự quan tâm của các cơ quan báo chí và nhất là giải pháp khuyến khích, động viên những cây bút giỏi tham gia. Phê bình VHNT cần "đi bằng hai chân", ngoài những tác giả phê bình chuyên nghiệp thì còn cần sự góp sức của báo chí. Những nhà báo chuyên theo dõi mảng VHNT cần có cơ hội tham gia thường xuyên những lớp tập huấn chuyên môn do các hội chuyên ngành mở nhờ vào khoản kinh phí dành riêng.
Bên cạnh đó, để bảo đảm sức sống dài lâu, bền vững cho hoạt động phê bình VHNT, cần có phương án bài bản để phát hiện, sử dụng tài năng trẻ tại các cơ sở đào tạo VHNT.
Tạo không gian phát triển tốt cho hoạt động phê bình chính là thúc đẩy định hướng đúng đắn sự phát triển VHNT, đồng thời dẫn hướng thẩm mỹ cho xã hội.