Bí mật chuyến thăm Mỹ của lãnh tụ Xô Viết Leonid Brejnev
Hồ sơ - Ngày đăng : 10:37, 23/05/2018
Chuyến thăm lịch sử
Lãnh tụ Liên Xô Leonid Brejnev đi thăm Mỹ từ ngày 18 đến ngày 26-6-1973.
Chuyên cơ hạ cánh xuống căn cứ không quân Andrews, từ đó, Tổng Bí thư Brejnev lên trực thăng bay đến dinh thự ngoại ô của tổng thống tại Trại David và dừng lại đó một đêm. Sáng hôm sau, ông bay đi Washington để gặp Tổng thống Nixon.
Lễ đón chính thức được diễn ra một cách long trọng trên thảm cỏ phía nam của Nhà Trắng. Brejnev ở lại Washington đến ngày 23-6 trong biệt thự của chính phủ trên đại lộ Pensinvania. Cuộc hội đàm và ký các văn kiện đều diễn ra tại Nhà Trắng.
Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Liên Xô diễn ra long trọng trên thảm cỏ phía nam của Nhà Trắng. |
Trò chuyện tại phòng Bầu Dục, hai nhà lãnh đạo Xô - Mỹ cùng thể hiện mong muốn về một thế giới hòa bình và những vấn đề trong quan hệ song phương. Brejnev bộc bạch với Nixon rằng, ông có niềm tin lớn lao vào cuộc gặp, bởi theo quan niệm của người Nga, mưa là dấu hiệu tốt khi bắt đầu một chuyến đi. Brejnev nói: “Thật đặc biệt khi trời mưa ở cả Moscow và Washington, như vậy là gấp đôi, thêm dấu hiệu tốt”.
Ngày 24-6-1973, Nixon và Brejnev cùng tùy tùng bay đi San Clemente và ký tại đó bản “Thông cáo chung Xô - Mỹ”. Ngày 26-6-1973, Brejnev về Moscow.
Đúng vào lúc Brejnev ở thăm Mỹ thì uy tín của Nixon đang xuống dốc. Cuộc điều trần về vụ Watergate được truyền hình cả nước phải tạm ngưng một tuần. Khi ấy ở Liên Xô ít ai biết về vụ bê bối đó. Những tin tức đầu tiên về sự kiện này đến tháng 8 mới được truyền đi, kèm theo những lời bình luận nói về “âm mưu của các kẻ thù của Nixon, những kẻ không muốn cải thiện quan hệ với Liên Xô”. Về việc Nixon có thể bị kết tội thì đến tận cuối năm bạn đọc Liên Xô mới biết.
Những chuyện thú vị
Trong cuốn hồi ký “In Confidence: Moscow’s Ambassador to Six Cold War Presidents” (Đặc biệt tin cậy: Đại sứ Liên Xô ở Washington qua sáu đời Tổng thống Mỹ)”, Anatoly Dobrynin, nguyên Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, nguyên Đại sứ Liên Xô tại Mỹ (giai đoạn 1962-1986) đã tiết lộ những chuyện thú vị liên quan tới việc tổ chức và tiến hành chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Xô viết.
Hai nhà lãnh đạo Xô - Mỹ trò chuyện trên du thuyền Sequoia ngày 19-6-1973. |
Theo Dobrynin, các cơ quan an ninh của Liên Xô và Mỹ phối hợp đảm bảo sinh hoạt và điều kiện làm việc của Brejnev trong chuyến đi đó đã nhận được những chỉ thị rất nghiêm, chẳng hạn, ngành an ninh Liên Xô phải làm thế nào để Brejnev “về mặt hình thức không được kém so với Tổng thống Mỹ”. Một trong những yêu cầu rất cao là phải bảo đảm cho Brejnev có điều kiện liên lạc tốt bằng điện thoại. Cho nên, ngoài điện thoại riêng tại chỗ ra, Brejnev phải có thêm đường điện thoại đặc biệt của Liên Xô để ông có thể liên hệ được với các thành viên trong đoàn tại bất cứ nơi nào ở Washington. Phía Mỹ cũng đã cho phép phía Liên Xô - một trường hợp hoàn toàn bất thường - đặt ngay tại Nhà Trắng một số máy điện thoại nội bộ phòng khi Brejnev cần sử dụng.
Đáp ứng yêu cầu của Liên Xô, phía Mỹ cũng đã có một quyết định không bình thường. Để bảo đảm an toàn cho việc đi bộ từ biệt thự nơi Brejnev ở đến Nhà Trắng, đại lộ Pensinvania, đoạn gần Nhà Trắng bị cấm xe qua lại.
Đại sứ Dobrynin kể: “Tại Trại David, Nixon đã tặng Brejnev chiếc xe hơi hiệu “Continental” vừa mới được sản xuất. Brejnev rất thích món quà và muốn đi thử ngay lập tức. Ông mời Nixon ngồi cạnh để biểu diễn tài nghệ lái xe của mình (Dobrynin đi theo làm phiên dịch). Brejnev lái xe quả thật không tồi, nhưng chiếc xe ấy ông chưa quen dùng và máy rất khỏe. Tôi đã nhắc trước, nhưng ông có vẻ sốt ruột, nhấn ga thật mạnh. Chiếc xe chồm lên. Chúng tôi bị sóc rất mạnh. Nixon suýt nữa thì bị đập đầu vào kính phía trước và rất hoảng hốt khi Brejnev đi được khoảng một trăm mét phải hãm phanh đột ngột vì đến chỗ rẽ (đường ở Trại David không dùng cho xe cao tốc vì đi lại bằng xe điện). Tuy rất kinh hãi, Nixon vẫn cố trấn tĩnh và nói một cách xã giao: “Thưa Tổng Bí thư, Ngài lái xe giỏi lắm”.
Hai nhà lãnh đạo Xô - Mỹ tại Trại David, Maryland ngày 20-6-1973. |
Trong số những hoạt động có tính chất lễ tân thì lễ ký thông cáo chung và buổi chiêu đãi chính thức hoan nghênh nhà lãnh đạo Liên Xô là hai hoạt động gây ấn tượng mạnh nhất. Mọi thứ đều rất sang trọng, linh đình. Brejnev cũng tổ chức chiêu đãi đáp lễ Nixon ngay trong Đại sứ quán. Các món Nga rất phong phú. Sau buổi chiêu đãi, Brejnev muốn xem “đại sứ sống ở đâu”.
Đại sứ Dobrynin kể: “Ông lên tầng 3 xem căn hộ nhỏ của tôi. Ông hỏi thăm về cuộc sống, về sinh hoạt, những câu chuyện đời thường. Đang nói chuyện thì người đội trưởng bảo vệ lên, ra hiệu muốn mời tôi ra. Brejnev trông thấy bèn nói: 'Không phải thầm thì. Cứ nói. Đây là người của mình cả'. Người bảo vệ lúng búng rằng, vừa có một cú điện thoại nặc danh nói là sứ quán đang bị đặt bom, tốt nhất là Brejnev nên trở lại biệt thự ngay. 'Thế còn anh thì sao?' - Brejnev hỏi tôi. Vợ tôi trả lời rằng, các cú điện thoại như thế vẫn thường xảy ra, và vì không đi đâu được, cho nên cứ mặc kệ. Brejnev nói là ông không sợ và muốn ngồi thêm nửa tiếng nữa mặc dù mọi người thuyết phục ông. Lúc đó đã 12h đêm”...
Chuyện ở San Clemente
Giai đoạn hai của chuyến thăm khá đặc biệt khi Nixon mời khách đi cùng trên chiếc Air Force One đến San Clemente, nhà riêng của tổng thống. Trước đó, trong quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm, vào phút chót, Nixon do sợ hãi trước sự chỉ trích của phe chống đối trong nước đã kiên quyết đòi sửa một số điều trong văn kiện “Những nguyên tắc cơ bản của vấn đề vũ khí chiến lược”. Brejnev rất bực mình nên đã bác bỏ đề nghị của Nixon là đến nhà riêng của tổng thống tại San Clemente mà chỉ ở lại Washington, lấy lý do là bác sĩ không cho đi.
Đại sứ Dobrynin viết: “Ngày 11-6, khi tôi và Cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger rà soát kỹ lại các văn kiện, Kissinger đã nói 'một cách thẳng thắn, không xã giao' rằng, Nixon rất giận dữ về việc Brejnev từ chối đến nhà riêng ông ta tại San Clemente và như vậy sẽ ảnh hưởng đến cuộc gặp. Lúc đó, tôi quyết định đánh điện về Moscow, kiến nghị rằng, nếu được thì nên đáp ứng nguyện vọng của Nixon. Ngày hôm sau, Brejnev thông báo cho Nixon rằng, ông đã quyết định làm trái ý bác sĩ và sẽ đi California.
Gần 12h đêm, Nixon gọi điện cho tôi, nói: 'Tôi đề nghị chuyển lời cảm ơn của tôi đến Tổng Bí thư vì quyết định đó. Tôi mời Tổng Bí thư ở lại nhà tôi. Tôi tin là trong thời gian ở đó, hai chúng tôi sẽ có chung một mái nhà, và điều đó sẽ làm cho chúng tôi gần nhau và hiểu biết nhau hơn. Đó là yếu tố không kém phần quan trọng, bởi tôi tin rằng, tôi và Tổng Bí thư, với tư cách là hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới, có thể quyết định được số phận của chiến tranh và hòa bình trên toàn thế giới. Vấn đề ở đây không phải là sự háo danh hay tự cao. Đây là thực tế của lịch sử. Ngôi nhà của chúng tôi ở California có cái tên theo tiếng Tây Ban Nha là 'Casa Pacifique' (Nhà của hòa bình). Từ lâu nó đã có cái tên đó, chẳng hề có dụng ý gì, nhưng lúc này lại có ý nghĩa rất tượng trưng' - Nixon nhấn mạnh như vậy”.
Hai nhà lãnh đạo trên Air Force One ở San Clemente, Cali ngày 23-6-1973. |
Tối hôm đó, Nixon tổ chức chiêu đãi hoan nghênh Brejnev ngay trong sân, xung quanh bể bơi. Giới quan chức, trí thức và đặc biệt là các ngôi sao Hollywood đến dự rất đông. Brejnev rất thích phim cao bồi Mỹ. Tại buổi chiêu đãi, ông tỏ ra quan tâm tới các diễn viên phim của dòng phim này. Một trong số họ đã tặng Brejnev chiếc thắt lưng cao bồi kèm theo hai khẩu súng lục mà ông rất thích.
Mua ngũ cốc lúc nửa đêm
Ngày cuối cùng tại “Nhà Trắng California” được dành để thảo luận về vấn đề Trung Đông. Đại sứ Dobrynin kể: “Cuộc gặp theo kế hoạch sẽ tiến hành vào lúc 5h chiều nhưng gần đến giờ hẹn mà Brejnev vẫn chưa xuất hiện. Không ai dám đánh thức ông. Còn Nixon, vì đây là nhà ông ta nên ông buộc phải chờ. Đến 9h tối, Kissinger ra vẻ giận dữ tuyên bố, nếu vài phút nữa không gặp thì đành phải hủy vì Nixon quen đi ngủ sớm. Ngoại trưởng Andrei Gromyko do dự, còn tôi, không cần xin ý kiến, đã đi thẳng vào phòng ngủ của Brejnev. Nhận ra giọng nói của tôi, Brejnev nói: 'Tại sao anh không đánh thức tôi dậy?'. Sau mười phút, mọi việc ổn thỏa, ông lại đi gặp Nixon.
Hai vị nguyên thủ trong thư viện tại nhà riêng của Tổng thống Nixon ở San Clemente. |
Cuộc nói chuyện diễn ra ngay tại phòng làm việc của gia đình, bắt đầu từ 10h đêm. Sau khi ngủ đẫy giấc, Brejnev cảm thấy hăng hái còn Nixon thì ngược lại. Vì đã quen đi ngủ sớm, ông ta thấy mệt mỏi, và khi câu chuyện gần kết thúc, đã lấy gối kê lên đầu tới mấy lần. Mọi người chia tay nhau lúc 2 hay 3h sáng gì đó.
Tôi, Gromyko đã đưa Brejnev về phòng của ông. Về đến phòng ông mới sực nhớ đến việc Bộ Chính trị đã ủy quyền cho ông, ngay lúc sắp rời Moscow đi Mỹ, phải thỏa thuận với Nixon để bán cho Liên Xô vài triệu tấn ngũ cốc. Nhưng sáng sớm mai, đoàn đã phải về nước trong khi không còn cuộc gặp chính thức nào với Nixon nữa. Tình thế thật gay go.
Gromyko đề nghị tôi đi gặp Kissinger. Theo Gromyko, Kissinger sẽ có cách liên hệ được với Nixon, dù là đêm khuya, và có thể Nixon sẽ đồng ý bán ngũ cốc. Brejnev cũng đồng ý với Gromyko và nói rằng đây là yêu cầu cá nhân của Brejnev. Ông bảo: “Henry sẽ hiểu và sẽ giúp”. Brejnev không muốn rời Mỹ mà chưa thực hiện được nhiệm vụ do Bộ Chính trị giao.
Kissinger đã rất “ngạc nhiên” khi tôi đến nhà và nêu đề nghị đó với ông. Ông ta nói, tất nhiên là không thể đánh thức tổng thống vào lúc này được. Mặt khác, ông ta lại không muốn khước từ khi Brejnev đã trực tiếp đề nghị ông ta làm việc đó. Kissinger xác nhận đúng là Mỹ có ngũ cốc để bán, và rằng, xét cho cùng, Tổng thống Nixon có thể đồng ý. Kissinger đề nghị chuyển cho Brejnev sự đồng ý về nguyên tắc, nhưng dưới dạng chung chung, nghĩa là không nói rằng tổng thống đã đồng ý, nhưng có thể hiểu ngầm như vậy. Kissinger hứa sáng hôm sau sẽ báo cáo với tổng thống và hy vọng Nixon sẽ đồng ý. Vậy là Brejnev có thể bay về nước. Nếu Nixon không đồng ý, Kissinger đã gọi điện ngay cho tôi nhưng mọi việc đã đâu vào đó”.
Brejnev rất hài lòng, thậm chí còn tự hào về kết quả chuyến thăm Mỹ. Từ trên máy bay, ông đã gửi điện cảm ơn Nixon về sự đón tiếp nồng nhiệt dành cho ông.
Sau chuyến thăm đầu tiên của Nixon tới Liên Xô năm 1972, chuyến thăm của Brejnev tới Mỹ đã đánh dấu bước phát triển có kết quả của sự hợp tác tích cực về chính trị, ngoại giao và quan hệ hai nước. Quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo hai nước đã củng cố một cách rõ rệt. Cứ tưởng là một giai đoạn mới trong quan hệ Xô - Mỹ đã được mở ra. Rất tiếc là giai đoạn đó đã không kéo dài. Vụ bê bối Watergate đã hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Tổng thống Nixon. Chỉ hơn một tháng sau cuộc gặp cấp cao Xô - Mỹ lần thứ ba tại Moscow, ngày 9-8-1974, Nixon buộc phải rời khỏi ghế Tổng thống Mỹ.