"Tiếp lửa" cho nghề thợ bạc

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:07, 23/05/2018

(HNM) - Trước đây, nghề chế tác bạc thủ công truyền thống ít người được người dân phương Nam biết đến. Nhưng giờ đây, mọi người dân, du khách có thể tìm hiểu, trải nghiệm làm thợ bạc ở một điểm du lịch thú vị là Vietnam Silver House - VSH (số 68 đường Nghĩa Thục, phường 5, quận 5, TP Hồ Chí Minh).


Một giờ làm thợ bạc

Một ngày đầu tháng 5-2018, chúng tôi theo chân các hướng dẫn viên du lịch tìm đến VSH, nơi tái hiện nghề thợ bạc truyền thống tại Phố vàng bạc, đá trang sức ở TP Hồ Chí Minh. Thời điểm này, ngôi nhà đang đón 4 nữ du khách đến từ Tây Ban Nha trải nghiệm cách làm trang sức từ bạc. Sát cánh cùng họ là nghệ nhân Nguyễn Ngọc Phú có 20 năm kinh nghiệm chế tác trang sức bạc.

Khách quốc tế thích thú với lớp học làm trang sức bạc truyền thống.


Trong căn phòng rộng hơn 60m2, du khách mải mê cầm búa để tán bạc mỏng, công đoạn đầu tiên để làm nên bất kỳ món đồ trang sức nào. Chị Sayda Flozer (40 tuổi) tỏ ra thích thú với cây búa nhỏ nhắn. Đeo trên tay một chiếc nhẫn và một chiếc vòng tay bạc đơn giản, S.Flozer tự hào giới thiệu với chúng tôi đây là thành quả chị tự làm trong 2 buổi học trước. “Tôi bắt đầu “nghiện” trải nghiệm cách chế tác bạc thủ công của Việt Nam và thấy rất thích trang sức bằng bạc. Lớp học tạo ra sự tò mò, thích thú, xen lẫn cảm giác hứng khởi, hồi hộp. Với mức học phí 250.000 đồng và được sở hữu trang sức do chính tay mình làm ra thì thật tuyệt!”, S.Flozer chia sẻ.

Việc trải nghiệm các công đoạn chế tác bạc thủ công tùy thuộc vào sự khéo léo từ đôi bàn tay của du khách. Cái khó nhất là sử dụng những đồ nghề tí hon và tác động một lực vừa phải để tạo ra hình thù mong muốn trên từng món trang sức. Những dụng cụ như búa nhựa mica, đục, dũa mài, cưa lọt thỏm trong lòng bàn tay đều lạ lẫm với nữ du khách Maria (đến từ Tây Ban Nha). "Chỉ một chút lơ là, gõ thêm 1 nhịp búa, khuôn nhẫn lập tức từ hình tròn thành quả trứng" - Maria vui vẻ nói. Những lúc như thế này, chị phải cầu cứu nghệ nhân để được chỉ dẫn cách đưa miếng bạc trở về hình dạng ban đầu.

Vượt qua thử thách đầu tiên, tiếp đến, các du khách thực hiện các công đoạn mài dũa, tạo hoa văn, đánh bóng, hoàn thành sản phẩm. “Một du khách vụng về nhất mất khoảng 1 giờ 30 phút để tạo ra một chiếc nhẫn đơn giản, còn 1 giờ là khoảng thời gian trung bình khách thực hiện tại lớp học” - nghệ nhân Nguyễn Ngọc Phú cho biết. Lớp học thu hút đa số là khách phương Tây như Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ... Độ tuổi của khách khá đa dạng, từ các bé 6 tuổi đến những người lớn tuổi, họ đều có chung niềm đam mê đến đây để khám phá thế giới bí ẩn nghề thợ bạc.

Theo anh Lê Quí Kỵ, Giám đốc VSH: “Mỗi chiếc nhẫn bạc bán ra thị trường có giá tối thiểu 250.000 đồng, trong khi đó mỗi buổi khách học làm bạc và được mang sản phẩm về cũng chỉ mất 250.000 đồng. Chúng tôi không hướng đến lợi nhuận từ lớp học, mục đích chính là giới thiệu quảng bá về quy trình chế tác bạc thủ công và đưa đến cho du khách trải nghiệm thú vị”.

Cầu nối để vực dậy làng nghề

VSH xuất phát từ một doanh nghiệp kinh doanh và gia công bạc xuất khẩu hơn 22 năm qua tại TP Hồ Chí Minh. Sản phẩm của công ty đã xuất khẩu đến Châu Âu hay những thị trường có yêu cầu cao như Nhật Bản, Hàn Quốc. Anh Lê Quí Kỵ nhận định: “Trên thị trường quốc tế, thợ bạc Việt Nam được đánh giá là có tay nghề cao. Thế nhưng, các xưởng chế tác bạc ở nước ta hầu hết chỉ gia công hàng xuất khẩu mà không quảng bá thương hiệu. Vì thế, khách hàng thế giới không hề biết đến trình độ tinh xảo của thợ bạc Việt Nam. Đây là điều đáng tiếc cho tinh hoa nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm ở nước ta”.

Trăn trở với ước mơ quảng bá các công đoạn chế tác bạc thủ công truyền thống ra thế giới, từ giữa năm 2017, anh Kỵ và các đồng nghiệp lên ý tưởng xây dựng một ngôi nhà hội tụ tất cả tinh hoa của nghề chế tác trang sức bạc ở Phố vàng bạc, đá trang sức quận 5. Ngôi nhà có thiết kế ấn tượng và cơ sở vật chất đạt chuẩn để đón tiếp khách quốc tế. Đến đầu năm 2018, VSH chính thức mở cửa đón khách tham quan. Và nơi đây luôn có 4 thợ bạc thủ công tham gia chế tác bạc cho du khách chiêm nghiệm. Đặc biệt, khách sẽ được tự tay sản xuất những sản phẩm do họ tự chọn mẫu, dưới sự hướng dẫn của nhóm thợ và thông dịch viên.

Bên cạnh sử dụng những sản phẩm được thiết kế từ VSH, đơn vị này dành riêng phòng sưu tập để giới thiệu tinh hoa trang sức từ các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở nước ta, như: Làng Định Công (Hà Nội), làng Đồng Xâm (Thái Bình), làng Kế Môn (Thừa Thiên - Huế)... Anh Lê Quí Kỵ nhớ lại: “Khi chúng tôi tìm đến hợp tác với các làng nghề để đưa sản phẩm của họ giới thiệu cho du khách thì các nghệ nhân rất vui. Họ kỳ vọng có thể bán được hàng để tiếp tục duy trì nghề thợ bạc truyền thống”.

Trong số các làng nghề truyền thống, anh Kỵ nặng lòng nhất với làng nghề Định Công nay thuộc phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Vốn nổi tiếng ở nước ta với nghệ thuật kéo mỏng sợi bạc để ghép thành hoa văn vô cùng tinh xảo, thợ bạc Định Công tạo ra sản phẩm có tính mỹ thuật cao. Nhưng nay làng nghề đang gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nên phần lớn nghệ nhân bỏ nghề. Cả làng Định Công giờ chỉ còn 1-2 nhà còn giữ nghề chế tác bạc. "Tiếc nuối làng nghề vốn từng được vinh danh là "tứ trụ tinh hoa" làng nghề Thăng Long xưa nên sản phẩm bạc tinh xảo của làng nghề Định Công được ưu tiên bài trí ở vị trí trung tâm nhất của VSH" - anh Kỵ cho biết.

Anh Kỵ hy vọng, thời gian tới, khi du khách quốc tế biết đến ngôi nhà trưng bày sản phẩm trang sức bạc nhiều hơn thì những sản phẩm từ các làng nghề truyền thống sẽ tiêu thụ được tốt hơn. Từ đó, doanh nghiệp sẽ đặt hàng cho các nghệ nhân làng nghề để họ có việc làm, thu nhập ổn định. Đặc biệt là thợ bạc sẽ không phải bỏ nghề mà có thể phục hồi và tiếp nối những tinh hoa của nghề chế tác bạc thủ công truyền thống cha ông.

Kiến Lâm