Nhiều dự án tu bổ đê điều chậm tiến độ
Kinh tế - Ngày đăng : 06:57, 23/05/2018
Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu (huyện Ba Vì) Nguyễn Danh Hưng cho biết, địa phương đã sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra trong năm 2018. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của xã hiện nay là chưa có giải pháp xử lý triệt để sự cố sạt lở bờ sông Hồng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của 35 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm. Tương tự, các xã Thuần Mỹ, Cổ Đô, Phú Cường, Đông Quang (huyện Ba Vì) rất lo lắng, khi hàng loạt sự cố đê, kè trên địa bàn hiện vẫn chưa được đầu tư xử lý.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần, trong số các sự cố công trình đê điều trên địa bàn huyện, đáng ngại nhất là tình trạng sạt lở đê, kè tuyến hữu Hồng, đoạn thuộc địa bàn xã Cổ Đô diễn biến rất nghiêm trọng. Đây là một trong 4 trọng điểm đê điều của thành phố cần phải lập phương án riêng để bảo vệ. Tuy nhiên, đến nay vị trí này và các sự cố đê điều khác trên địa bàn huyện Ba Vì vẫn chưa được đầu tư xử lý, tạo áp lực lớn cho các địa phương trong công tác bảo đảm an toàn đê điều, ứng phó với lũ lụt...
Kè Chu Minh - Công trình xử lý sự cố chống sạt lở bờ sông hữu Hồng (huyện Ba Vì) đang được thi công.Ảnh: Kim Văn |
Để kịp thời đưa công trình vào sử dụng trong mùa mưa bão năm nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao đơn vị thi công triển khai dự án, hoàn thành công trình khắc phục sự cố sạt trượt bờ lạch sông Hồng, đoạn thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) trước tháng 3-2018. Tuy nhiên, đến ngày 10-5 vừa qua, huyện Mê Linh kiểm tra, phát hiện đơn vị thi công mới thực hiện được 1/3 khối lượng công việc. Do tiến độ thi công chậm kèm theo ảnh hưởng của trận mưa dịp cuối tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua, một số vị trí trong phạm vi dự án đang triển khai tiếp tục xảy ra sạt lở. Vì vậy, huyện Mê Linh đã có công văn đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án, đặc biệt phải bảo đảm chất lượng công trình…
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, năm 2017 mưa lũ đã gây ra 61 sự cố trên các tuyến đê đi qua 16 quận, huyện. Để khắc phục các sự cố này theo hướng triệt để, bền vững, TP Hà Nội cần đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Do nguồn lực hạn chế nên thành phố mới cho phép xử lý khẩn cấp 35 sự cố nghiêm trọng. Đối với 26 sự cố còn lại, thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan bố trí lực lượng, thường xuyên theo dõi để kịp thời đề xuất phương án xử lý khẩn cấp khi vị trí hư hỏng phát triển, mở rộng.
Liên quan đến sự cố đê, kè Cổ Đô, theo ông Chu Phú Mỹ, cuối năm 2017, thành phố giao Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Do tuyến hữu Hồng là đê cấp 1, trước khi sửa chữa, tu bổ phải xin ý kiến thỏa thuận của Bộ NN&PTNT về kỹ thuật xử lý. Hơn nữa, vị trí xảy ra sự cố rất phức tạp, cần thời gian khảo sát, xây dựng các biện pháp thi công bảo đảm an toàn, công trình bền vững… Vì những lý do trên nên chủ đầu tư chưa thể triển khai dự án đúng kế hoạch. Hiện nay, vị trí này đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến trong tháng 5 này sẽ thi công xong phần thả đá, hộ chân đê, tháng 6-2018 sẽ hoàn thành các phần việc còn lại.
Để giảm thiệt hại do lũ lụt gây ra, TP Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đúng hợp đồng đã ký; chủ động phương án bảo đảm an toàn người, vật tư, thiết bị, an toàn các công trình, dự án đang thi công. Trong mùa lũ bão, các địa phương bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra phát hiện những công trình đê điều hư hỏng, sự cố; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng bảo vệ các vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu…