Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã: Bộc lộ những bất cập

Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 23/05/2018

(HNM) - Sau 10 năm hoạt động, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã từ trung ương đến địa phương đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Qua đó chưa đáp ứng nhu cầu về vốn vay cho phát triển sản xuất, kinh doanh của kinh tế tập thể.


Hiện nay, cả nước có 48 Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố thành lập đi vào hoạt động với số vốn 2.000 tỷ đồng. Các quỹ này là kênh tín dụng quan trọng, đóng góp thiết thực vào phong trào phát triển kinh tế tập thể. Tuy nhiên, nguồn vốn ban đầu từ ngân sách cấp cho quỹ ở trung ương chỉ có 100 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vay vốn hằng năm của mỗi hợp tác xã lên tới hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, hành lang pháp lý thiếu thống nhất, mỗi nơi có cách làm khác nhau nên chưa huy động được các nguồn lực xã hội. Cơ chế cho vay, phạm vi, phương thức, giới hạn cho vay cũng nhiều bất cập và không thống nhất. Quy mô nguồn vốn nhỏ nên cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc của các quỹ còn hạn chế...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Đình Tùng cho biết, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã của tỉnh đã hỗ trợ cho 45 hợp tác xã và 120 tổ hợp tác vay vốn với số tiền hơn 86,4 tỷ đồng. Nhưng, do đây là mô hình mới, chưa có sự hướng dẫn, thống nhất từ trung ương đến địa phương, nên trong quá trình hoạt động của quỹ gặp khó khăn, nguồn vốn dù có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu vay vốn của hợp tác xã. Đa phần các dự án được quỹ đầu tư tập trung ở vùng nông thôn, tài sản thế chấp có giá trị thấp, tính thanh khoản không cao.

Trong khi đó, theo Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã TP Hà Nội Vũ Mạnh Nam, hiện tổng nguồn vốn của quỹ là 133 tỷ đồng. Qua 10 năm hoạt động, quỹ đã hỗ trợ hướng dẫn thành lập mới 788 tổ hợp tác, hỗ trợ 2.887 dự án của hợp tác xã với tổng số tiền vay gần 712 tỷ đồng. Song, việc cho vay của quỹ gặp khó khăn do các hợp tác xã không có tài sản thế chấp nên không đủ điều kiện vay vốn.

Để tháo gỡ khó khăn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ sớm xem xét ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức, hoạt động của các quỹ. Cùng với đó, quy định mức vốn điều lệ tối thiểu, hoạt động nghiệp vụ của quỹ gồm cho vay, hỗ trợ sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng, các hoạt động ủy thác, nhận ủy thác, đại lý, dịch vụ tài chính. Đặc biệt, cần xây dựng quỹ trung ương đóng vai trò chủ đạo trong việc liên kết hệ thống, tăng cường năng lực tài chính trên cơ sở cấp bổ sung vốn điều lệ từ ngân sách, cụ thể đến năm 2020 đề xuất tối thiểu khoảng 1.000 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Trần Thanh Nam, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, các bộ, ngành và chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho quỹ hoạt động nhưng phải bảo đảm thống nhất một cơ chế, phù hợp với năng lực, trình độ của kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Hiện nay, nguồn vốn của quỹ rất ít, nên phải huy động các thành phần kinh tế khác và liên kết hệ thống từ trung ương đến địa phương. Mặt khác, Quỹ cần xác định những tiêu chí cụ thể, phương án sản xuất kinh doanh khả thi để các thành viên mới yên tâm khi góp vốn. Các ngành chức năng cũng cần hỗ trợ hợp tác xã trong vấn đề kiểm toán để hoạt động công khai, minh bạch, phát triển ổn định, bền vững...

Ngọc Quỳnh