Động lực mới cho quan hệ Nga - Ấn Độ
Thế giới - Ngày đăng : 06:20, 24/05/2018
Hai nhà lãnh đạo Nga - Ấn Độ gặp nhau tại TP Sochi. |
Truyền thông hai nước khẳng định, Tổng thống V.Putin và Thủ tướng N.Modi đã có những cuộc thảo luận sôi nổi về các vấn đề song phương và toàn cầu, nhằm đề ra khuôn khổ phát triển hơn nữa mối quan hệ Đối tác Chiến lược đặc biệt và đặc quyền Nga - Ấn Độ. Hai nước duy trì mức độ hợp tác cao, thể hiện qua hoạt động trao đổi thường xuyên, chặt chẽ về quốc phòng, chính trị và tại các diễn đàn quốc tế.
Nga đã có những hỗ trợ quan trọng giúp Ấn Độ có được tư cách thành viên chính thức tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Ấn Độ hiện đứng thứ 17 trong số các đối tác thương mại của Nga với kim ngạch năm 2017 đạt 4.000 tỷ USD. Các dự án chung về quốc phòng, hạt nhân và cơ sở hạ tầng tiếp tục là điểm nhấn cho những hoạt động hợp tác đầy tiềm năng giữa hai nước.
Nhìn nhận tổng quan trong 2 thập kỷ qua, mối quan hệ đối tác lâu đời giữa Mátxcơva và New Delhi lại xuất hiện những khoảng trống nhất định do Ấn Độ và các nước phương Tây có sự gắn kết bền chặt hơn, khiến Nga xích lại gần Trung Quốc và Pakistan.
Nhập khẩu quốc phòng của Ấn Độ từ Nga đã giảm đáng kể, khi hầu hết các giao dịch gần đây được thực hiện với Mỹ và các đồng minh. Báo cáo của Ủy ban Quân lực Quốc hội Mỹ cho thấy, trong 3 năm qua, Ấn Độ đã ký 13 hợp đồng vũ khí có tổng trị giá 4,3 tỷ USD với các doanh nghiệp Mỹ, trong khi chỉ ký 12 hợp đồng với Nga, trị giá 1,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, chính sách “Nước Mỹ hàng đầu” của ông chủ Nhà Trắng và việc xứ Cờ hoa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đang đặt New Delhi vào nhu cầu thay đổi quan hệ với Bắc Kinh và Mátxcơva, thể hiện rõ qua các chuyến thăm của Thủ tướng N.Modi tới Vũ Hán (Trung Quốc) và Sochi (Nga).
Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Nga có thể giúp Ấn Độ - nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc - bớt áp lực đương đầu với khó khăn khi Iran giảm sản lượng khai thác dầu. Trong khi đó, đối mặt với áp lực lớn từ lệnh trừng phạt của các nước phương Tây, việc xích lại gần Ấn Độ là cách để Nga tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Nga và Thủ tướng Ấn Độ cũng đề cập tới các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Nga theo “Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt” (CAATSA) và tác động đối với hợp tác quốc phòng Nga - Ấn Độ.
Nhiều nguồn tin cho biết, New Delhi đang thực hiện các biện pháp vận động hành lang với chính quyền Mỹ về các vấn đề này, bởi Ấn Độ sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ Washington khi mua các mặt hàng quân sự có giá trị cao. Tại cuộc gặp bên bờ Biển Đen, Thủ tướng Ấn Độ cũng khẳng định, nước này không cho phép bất kỳ bên thứ 3 nào gây ảnh hưởng tới mối quan hệ với Nga.
Tổng thống Nga V.Putin nhận định, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ấn Độ đã tạo động lực mới cho mối quan hệ song phương giữa hai nước đều là những quốc gia sở hữu tiềm lực kinh tế và quân sự hùng mạnh. Ngoài ra, hình thức tiếp xúc không chính thức đã góp phần làm nên một bầu không khí đối thoại cởi mở, thực chất và thẳng thắn.
Đây được coi là bước khởi đầu tạo sự “đồng điệu” trong các cuộc tiếp xúc song phương giữa hai nhà lãnh đạo trong thời gian tới, đặc biệt là cuộc gặp bên lề Hội nghị Cấp cao Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) ở Nam Phi vào tháng 7 và dọn đường cho cuộc gặp cấp cao Nga - Ấn Độ vào tháng 10 tới.