Tín dụng tăng thấp hơn năm trước có đáng ngại?

Tài chính - Ngày đăng : 12:36, 24/05/2018

(HNMO) - So với năm 2017, những tháng đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng thấp hơn. Vậy, đâu là nguyên nhân và tín dụng tăng trưởng thấp như vậy có đáng lo ngại?


Để trả lời những câu hỏi trên, PV Báo Điện tử Hànộimới đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng.


- Những tháng đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước (quý I-2018, tín dụng tăng khoảng 3,5% so với cuối năm 2017 trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 4,3%; đến cuối tháng 4-2018, tín dụng tăng khoảng 4,3%, cùng kỳ năm trước tăng 5,6%). Theo ông, điều này xuất phát từ đâu?

- Theo tôi, có một số nguyên nhân khiến tín dụng những tháng đầu năm nay tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Đó là, các ngân hàng quản lý rủi ro chặt chẽ hơn trong việc đưa tín dụng ra thị trường.

Ngoài ra, quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn rút từ 50% xuống còn 45% vào đầu năm 2018. Nếu không điều chỉnh, ngân hàng có thể bị kiểm soát đặc biệt nên các ngân hàng bắt buộc phải tuân thủ đúng quy định. Lãi suất cho vay ở mức cao cũng là một nguyên nhân.

- Còn nguyên nhân nào nữa không, thưa ông, chẳng hạn như do siết cho vay bất động sản và chứng khoán?


-
Đúng là việc siết cho vay bất sản và chứng khoán cũng có ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Thị trường chứng khoán và bất động sản là hai lĩnh vực mang tính rủi ro và được đầu tư nhiều. Vì vậy, cần phải siết cho vay đối với hai lĩnh vực này nhằm tránh tạo bong bóng trên thị trường. Việc siết như vậy không những tốt cho thị trường bất động sản, chứng khoán mà còn tốt cho cả nền kinh tế.

Quy định mới về tăng hệ số rủi ro cho vay bất động sản lên mức 200% cũng làm giới hạn lại quy mô cho vay. Hay như với chứng khoán, hệ số rủi ro cao nên cũng làm giảm quy mô cho vay.

- Vậy, việc tín dụng tăng chậm hơn năm trước có đáng lo ngại không, thưa ông?


Việc này không đáng ngại bởi tín dụng chỉ tăng thấp hơn năm trước một ít thôi, nhưng vẫn cao hơn những năm trước đó. Hơn nữa, tín dụng thường tăng trưởng chậm hơn ở những tháng đầu năm và tăng mạnh ở những tháng cuối năm.

- Để kiểm soát lượng vốn bơm vào nền kinh tế, cũng như đảm bảo an toàn tín dụng, NHNN đã khống chế chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng ngân hàng. Có ý kiến rằng nên bỏ việc đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này bởi biện pháp trên mang tính hành chính. Có điều nghịch lý là, chẳng hạn, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng là 17% trong khi một vài ngân hàng chỉ được NHNN đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 11%. Với những ngân hàng này, việc cho vay bị siết lại họ sẽ không có cơ hội để có thể tăng trưởng mạnh và tạo lợi nhuận.

Nên bỏ việc đưa chỉ tiêu tín dụng với từng ngân hàng.


Việc đưa chỉ tiêu tín dụng cho mỗi ngân hàng nên bỏ để họ có cơ hội tùy theo khả năng phát triển đúng theo nhu cầu và điều kiện kinh doanh của họ. Việc đưa chỉ tiêu tín dụng như vậy không phù hợp với việc kinh doanh của ngân hàng. NHNN chỉ nên nắm chỉ tiêu cho toàn hệ thống mà thôi.

- Nhưng nếu như vậy, có ngân hàng yếu, khả năng quản trị kém vẫn đẩy mạnh cho vay khiến tín dụng tăng trưởng nóng, không đảm bảo an toàn?

- Đúng là có thể có chuyện đó. Tuy nhiên, NHNN có nhiều công cụ để có thể kiểm soát như NHNN thanh tra, giám sát. Các ngân hàng thương mại thường xuyên báo cáo NHNN về tình hình hoạt động nên NHNN có thể theo dõi việc cho vay của các ngân hàng.

Ngân hàng nào tình hình tài chính không lành mạnh, vốn chủ sở hữu thấp, thanh khoản không tốt mà đẩy mạnh tín dụng (tỷ lệ dư nợ tín dụng/tổng huy động có thể lên trên 80%) sẽ gặp khó khăn về thanh khoản. Những ngân hàng như thế NHNN sẽ nắm được. NHNN có nhiều ông cụ để giám sát ngân hàng thương mại mà không cần phải đưa ra chỉ tiêu về tín dụng cho từng ngân hàng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hương Thủy