Chương trình thiếu nhi 2018: Số lượng có làm nên chất lượng?
Văn hóa - Ngày đăng : 13:12, 25/05/2018
Chào hè, nhiều đơn vị nghệ thuật giới thiệu sản phẩm mới dành cho thiếu nhi. |
Sân khấu “đỏ đèn”, khu vui chơi mở cửa
Thời điểm này, các nhà hát trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu kín lịch diễn phục vụ thiếu nhi. Nhà hát kịch Hà Nội tiếp tục diễn hai vở quen thuộc là “Dã Tràng” và “Nữ hoàng băng giá”; Nhà hát múa rối Thăng Long lại giới thiệu 2 chương trình “mới tinh” là “Thế giới của chúng em” tại địa điểm của nhà hát và chương trình rối tổng hợp diễn lưu động.
Theo NSƯT Đức Hùng, đạo diễn chương trình “Thế giới của chúng em”, vở diễn không nặng về múa rối mà bắt kịp đúng sở thích của các em khi các nghệ sĩ hóa thân thành những nhân vật hoạt hình quen thuộc như công chúa Elsa, người nhện, siêu nhân, nàng công chúa và bảy chú lùn…
Bên cạnh đó, những nhân vật cổ tích như Thạch Sanh, Lý Thông cũng được giới thiệu để các em nhỏ hiểu thêm về các nhân vật cổ tích Việt Nam. Yếu tố trình diễn rối nước, rối dây được các nghệ sĩ lồng ghép hài hòa với rối người.
Cũng về sản phẩm rối, Nhà hát múa rối Việt Nam vừa kịp cho ra mắt vở diễn mới “Đi phượt cùng bà lão đánh cá” của NSND Nguyễn Tiến Dũng. Vở rối mang màu sắc khác hơn so với Nhà hát múa rối Thăng Long khi kết hợp hài kịch, xiếc và nghệ thuật rối nhuần nhuyễn trong chương trình. Nhiều thủ pháp rối được các nghệ sĩ khoe khéo léo tài tình, vừa đủ cho thấy tay nghề của nghệ sĩ nhưng cũng không nặng về tính trình diễn để phù hợp với thiếu nhi mọi lứa tuổi.
Nhà hát Tuổi trẻ - đơn vị đi đầu trong các sản phẩm cho thiếu nhi - vẫn giữ được phong độ và thương hiệu của mình khi trình làng cùng lúc 3 sản phẩm thiếu nhi do các nghệ sĩ, tác giả kịch bản tên tuổi thực hiện là: Đinh Tiến Dũng (Cù Trọng Xoay), Nguyễn Toàn Thắng, Bùi Như Lai, Cao Ngọc Ánh, Chí Huy… Đó là chương trình ca múa nhạc “Nàng tiên cá”, vở kịch “Căn bếp đại chiến” và “Niềm vui của đám gà nhà”.
Khác với mọi năm, sản phẩm nghệ thuật mới của Nhà hát Tuổi trẻ năm nay gắn với các hoạt động kỷ niệm 40 năm của Nhà hát, bởi thế, phần đầu tư dàn dựng về hình ảnh, trang phục được các nghệ sĩ thực hiện cầu kỳ, bắt mắt hơn.
Tiết mục của Nhà hát Tuổi trẻ. |
Ngày 23-5 vừa qua, Liên đoàn Xiếc Việt Nam kịp cho ra mắt chương trình “Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên” chào mừng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, do NSƯT Tống Toàn Thắng làm tổng đạo diễn. Như mọi năm, chương trình xiếc dành cho thiếu nhi của Liên đoàn luôn chọn điểm nhấn là sử dụng nhiều tiết mục xiếc thú như voi, trăn, khỉ, chó, lợn, vẹt...
Năm nay, chương trình xuất hiện thêm nhiều nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh đề “đổi món” cho các em nhỏ như công chúa tóc mây, chú mèo máy Doraemon, gấu Kungfu Panda... Để tăng cường phục vụ cho nhu cầu của thiếu nhi, Liên đoàn Xiếc quyết định tăng suất diễn với 3 suất/ngày, riêng ngày 1-6 là 5 suất/ngày (8h30, 10h30, 14h30, 16h30 và 20h).
Không chỉ xem trực tiếp các vở diễn trên sân khấu, một trong những chương trình dành cho thiếu nhi được các phụ huynh đón chờ đó là Liên hoan thiếu nhi quốc tế 2018 do Đài THVN tổ chức diễn ra từ ngày 29-5 đến 3-6 tại Nha Trang.
Mặc dù có thể không được trực tiếp tham gia các hoạt động nhưng các em nhỏ có thể lựa chọn xem một số chương trình trên truyền hình dành cho thiếu nhi như “Bữa trưa vui vẻ” (truyền hình trực tiếp vào 12h ngày 31-5 trên kênh VTV6); Gala nghệ thuật “Trái đất xanh” (truyền hình trực tiếp vào 20h10 ngày 1-6 trên kênh VTV1); “Những ngày tình bạn” (phát sóng vào 20h10 ngày 9-6 trên kênh VTV1).
Bên cạnh các hoạt động nghe nhìn, nhiều điểm vui chơi dành cho thiếu nhi cũng được giới thiệu trong hè này như Bảo tàng Dân tộc học với hoạt động tìm hiểu các trò chơi dân gian của nhiều quốc gia trên thế giới vào ngày 26 và 27-5; hoạt động vui chơi tại Làng văn hóa các Dân tộc Việt Nam…
Đáng chú ý nhất là chương trình “Sĩ tử nhí” - hoạt động trải nghiệm dành cho thiếu nhi lần đầu tiên tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội trong suốt 3 tháng hè (từ tháng 6 đến tháng 8) với nhiều hoạt động, trò chơi hấp dẫn như thi làm diều, thả diều; làm đồ thủ công, thi nấu ăn, tìm hiểu về làm giấy dó...
Lo lắng cho chất lượng
Số lượng các chương trình nghệ thuật dành cho trẻ em năm nào cũng bày biện đầy đủ với sự vào cuộc của các đơn vị nghệ thuật. Việc ra mắt những sản phẩm mới không chỉ cho thấy các đơn vị đón trúng tâm lý của phụ huynh, trẻ em mà còn là dịp để các nhà hát “đỏ đèn” tưng bừng đón khách, tăng thêm doanh thu.
Dạo quanh một vòng thị trường văn hóa, giải trí dịp này cũng có thể thấy sự rộn ràng của các nhà hát. Tuy nhiên, đơn vị nào có sản phẩm chất lượng, phù hợp với thị hiếu của trẻ em lại là vấn đề mà nhiều người lo lắng.
Một “bầu sô” có tiếng của Hà Nội cho biết, chương trình thiếu nhi thường làm theo vụ, mỗi năm có 2-3 dịp để các đơn vị sáng tạo sản phẩm, phục vụ công chúng, đó là dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu và đón Noel hoặc Tết. Thông thường, dịp hè sẽ là thời điểm để các đơn vị đầu tư chỉn chu hơn, với số lượng vở diễn kéo dài vì đây là thời điểm các phụ huynh muốn bù đắp cho con sau những tháng học vất vả.
Tuy nhiên, vì sở thích của trẻ em khá dễ đoán, thường trẻ em thích những nhân vật hoạt hình quen thuộc như siêu nhân, người nhện, chú mèo máy Doraemon, công chúa Elsa, nàng Bạch Tuyết… nên các đơn vị hay dàn dựng những tiết mục đơn giản để chiều theo thị hiếu của các em. Cũng vì điều này, nhiều chương trình, tiết mục hay lặp lại về ý tưởng cũng như cách dàn dựng mà thiếu đi sự bất ngờ mới.
Trả lời báo chí về việc dàn dựng chương trình cho thiếu nhi, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan thiếu nhi quốc tế 2018 nhận định, với trẻ em đôi khi niềm vui thật sự của các em là những giây phút vui vẻ với bạn bè hơn là trình diễn trên sân khấu. Để có chương trình thật sự dành cho các em thì người lớn phải cố gắng giữ được sự hồn nhiên, trong trẻo của trẻ nhỏ, đừng để các em già trước tuổi.
NSƯT Đức Hùng cũng cho rằng, với sự thông minh, nhanh nhạy của trẻ em thời công nghệ số, làm chương trình thiếu nhi không thể hời hợt chỉ có hát, múa mà cần phải có sự đầu tư hình thức để các em cảm nhận thấy nhân vật mà mình đang xem trên sân khấu đúng như tưởng tượng của mình. Điều này, nhiều sân khấu ở Việt Nam vẫn chưa làm được do chưa có đủ kinh phí để đầu tư.
Cùng mối băn khoăn về chất lượng chương trình thiếu nhi, NSƯT Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ, mối lo lớn nhất của các nghệ sĩ trong Liên đoàn là sự hoạt động ngang nhiên của những gánh “xiếc cỏ” giả mạo, lấy thương hiệu của các nghệ sĩ để thực hiện những vở diễn kém chất lượng.
Thực tế, vào nhiều dịp phục vụ thiếu nhi, ở ngay địa bàn Hà Nội đã xảy ra không ít trường hợp giả mạo Liên đoàn Xiếc, công khai bán vé với giá cao nhưng chất lượng phục vụ thấp, khán giả không có chỗ ngồi tử tế, thậm chí không có hàng rào bảo vệ trước những tiết mục xiếc nguy hiểm. Điều này gây không ít tổn thất cho các phụ huynh và em nhỏ cũng như làm mấy uy tín của các nghệ sĩ xiếc.
Một mùa hè mới đã bắt đầu, nhiều gia đình đã lên kế hoạch để cho con em được vui chơi, giải trí sao cho ý nghĩa. Làm thế nào để lựa chọn được những chương trình bổ ích, hấp dẫn, phù hợp với con em mình trong số những chương trình được giới thiệu, quả là không dễ với các phụ huynh.
Kinh nghiệm cho thấy, những bậc phụ huynh nên lựa chọn những thương hiệu nghệ thuật uy tín, hoạt động lâu năm trên địa bàn và các chương trình được kiểm duyệt bởi cơ quan quản lý nhà nước.