Tuyển sinh minh bạch, công bằng và bảo đảm nhu cầu học tập

Xã hội - Ngày đăng : 08:18, 27/05/2018

(HNM) - Năm học 2018-2019, công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp trên địa bàn Hà Nội cơ bản ổn định như năm học trước. Đây cũng là năm đầu tiên áp dụng quy chế sửa đổi, bổ sung về tuyển sinh THCS và THPT...

Tiến sĩ Chử Xuân Dũng.


Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng công khai, giảm vất vả

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý được ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô coi là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Xin ông cho biết, việc này đã đem lại hiệu quả như thế nào, nhất là trong bối cảnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo?

- Ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng công nghệ mới, phương tiện hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục và chất lượng giảng dạy, học tập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô trong những năm học vừa qua. Đây là sự cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng chính phủ điện tử và Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020. Đây cũng là một trong 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện trong năm học 2017-2018.

Cụ thể hóa các chủ trương trên, Hà Nội đã có kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các trường học, trong đó có việc bồi dưỡng năng lực công nghệ thông tin cho giáo viên, cán bộ quản lý; các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư; các phần mềm sắp xếp thời khóa biểu, quản lý tài sản, phần mềm sổ điểm điện tử và đặc biệt là phần mềm tuyển sinh trực tuyến đã được triển khai. Ứng dụng công nghệ thông tin giúp các giờ học sinh động, gần gũi với thực tiễn, học sinh dễ tiếp thu hơn; giúp công tác quản lý khoa học, chính xác và minh bạch hơn.

- Ông vừa nhắc tới phần mềm tuyển sinh trực tuyến. Dường như đây là “đặc sản” của Hà Nội? Việc này được triển khai ra sao trong tuyển sinh, thưa ông?

- Từ năm học 2016-2017, bên cạnh hình thức tuyển sinh truyền thống là trực tiếp đến trường đăng ký, phụ huynh có thể sử dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến để đăng ký xét tuyển cho con vào lớp mẫu giáo 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6. Năm học 2018-2019 là năm thứ ba Hà Nội áp dụng tuyển sinh trực tuyến và hiện Hà Nội vẫn là địa phương duy nhất áp dụng hình thức này.

Tuy nhiên, điểm khác biệt so với mọi năm, đó là năm nay, Hà Nội tổ chức chạy thử nghiệm phần mềm đăng ký trực tuyến vào lớp 6 trên toàn thành phố tại Cổng điện tử http://tsdaucap.hanoi.gov.vn từ 9h ngày 26-5 đến 9h ngày 28-5-2018. Điều này sẽ giúp phụ huynh học sinh làm quen, tránh những sai sót khi chính thức đăng ký tuyển sinh, giúp cơ quan quản lý xác định mức độ đáp ứng của phần mềm, kịp thời bổ sung những thiết bị, điều kiện cần thiết và chủ động chuẩn bị phương án xử lý khi có tình huống phát sinh.

- Căn cứ nào để Hà Nội quyết định duy trì hình thức tuyển sinh trực tuyến trong tuyển sinh đầu cấp?

- Qua hai năm triển khai, số lượng phụ huynh đăng ký tuyển sinh trực tuyến ngày càng tăng. Năm học 2017-2018, toàn thành phố có gần 172 nghìn học sinh xét tuyển theo hình thức trực tuyến, chiếm gần 71% tổng số học sinh đầu cấp. Nhiều địa phương có tỷ lệ đăng ký trực tuyến cao từ 80% đến 100% như: Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Oai, Mỹ Đức... Điều này cho thấy những tiện ích và ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ thông tin. Đăng ký tuyển sinh trực tuyến, phụ huynh được hướng dẫn chi tiết về cách thức, không phải đi lại vất vả, xếp hàng hoặc nhầm lẫn về quy trình, thủ tục. Những thủ tục phiền hà, hoặc những biểu hiện cố tình gây khó dễ trong quá trình tuyển sinh cũng được loại bỏ. Ngoài việc bảo đảm quyền lợi được tuyển sinh đúng tuyến, hình thức này còn góp phần tăng tính minh bạch, công bằng, giảm vất vả và tiết kiệm thời gian cho người dân.

- Vậy thời điểm đăng ký tuyển sinh trực tuyến chính thức năm học 2018-2019 của Hà Nội bắt đầu từ khi nào, thưa ông?

- Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội vẫn bắt đầu từ ngày 1-7 như mọi năm, song để tạo thuận lợi cho phụ huynh, tránh sự quá tải, lộn xộn, Sở Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian đăng ký tuyển sinh trực tuyến theo từng cấp học. Thời gian đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào lớp 1 từ ngày 1 đến hết ngày 3-7-2018; vào các lớp mẫu giáo 5 tuổi từ ngày 4 đến hết ngày 6-7-2018; vào lớp 6 từ ngày 7 đến hết ngày 9-7-2018. Nếu chưa kịp đăng ký tuyển sinh trực tuyến trong thời gian này, phụ huynh có thể trực tiếp đến trường nộp hồ sơ từ ngày 13 đến hết ngày 18-7-2018.

Không lo thiếu chỗ học

- Những ngày gần đây, việc học sinh đổ xô tới các “lò luyện” để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh lớp 6 đang khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Có ý kiến cho rằng, sự thay đổi trong phương thức tuyển sinh đã khiến học sinh chịu nhiều áp lực. Ông nghĩ sao về điều này?

- Năm nay là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép một số trường có số lượng học sinh đăng ký dự tuyển nhiều hơn chỉ tiêu được phép tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực. Hà Nội cũng đã công bố phương án tuyển sinh vào các lớp đầu cấp và ban hành hướng dẫn cụ thể. So với các năm trước, phương án tuyển sinh vào các lớp đầu cấp tại Hà Nội vẫn giữ ổn định, không thay đổi.

Với việc tuyển sinh lớp 6, đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo từ các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, 597 trường THCS công lập có tuyển sinh lớp 6, năm nay đều áp dụng phương thức xét tuyển. Tại Hà Nội, chỉ có một số rất ít trường phổ thông ngoài công lập tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh bằng bài tổ hợp. Tuy nhiên, hình thức và nội dung của bài kiểm tra, đánh giá năng lực đã được Sở Giáo dục và Đào tạo quy định rõ và công khai từ nhiều ngày nay. Theo đó, bài kiểm tra được xây dựng theo hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận; phạm vi kiến thức thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu ở lớp 5. Học sinh chỉ cần học theo hướng dẫn của thầy, cô giáo ở trường, không phải đi học thêm. Cha mẹ không nên buộc con phải tới “lò luyện”, vừa ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý, vừa tốn kém kinh phí.

- Vậy với các lớp đầu cấp còn lại tại Hà Nội, phương thức tuyển sinh năm học 2018-2019 có thay đổi không và cách thức cụ thể thế nào?

- Như trên tôi đã nói, phương thức tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2018-2019 tại Hà Nội vẫn ổn định như các năm trước là xét tuyển. Căn cứ vào quy mô học sinh, điều kiện địa lý và khả năng đáp ứng của các nhà trường ở từng cấp học, phòng giáo dục và đào tạo tham mưu với UBND các quận, huyện, thị xã phương án phân tuyến và giao chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trường. Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tuân thủ tuyệt đối quy định về thời gian, đối tượng, phương thức tuyển sinh, không đơn vị nào được tự ý tuyển sinh theo phương thức riêng. Như mọi năm, phụ huynh có thể lựa chọn một trong hai hình thức: Tuyển sinh trực tiếp hoặc tuyển sinh trực tuyến.

Về cơ bản, tại mỗi phường, xã, thị trấn trên địa bàn Hà Nội đều có đủ hệ thống trường mầm non, tiểu học, THCS công lập đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Ngoài ra, những năm gần đây, Hà Nội cũng tạo điều kiện phát triển, đa dạng các loại hình trường như trường công lập tự chủ tài chính, trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp... Điều này đã tạo thêm nhiều cơ hội lựa chọn học tập cho học sinh, sau khi tốt nghiệp ở mỗi cấp học.

- Theo số liệu điều tra, năm nay cả ba cấp học đều tăng mạnh về quy mô học sinh, trong khi cơ sở vật chất còn hạn chế. Liệu có xảy ra tình trạng học sinh thiếu chỗ học không, thưa ông? Giải pháp của Hà Nội là gì?

- Nhiều năm nay, Hà Nội luôn kiên trì mục tiêu bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh. Chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019, nhiều dự án cải tạo, sửa chữa, xây dựng bổ sung lớp, trường được triển khai. Việc mua sắm trang thiết bị dạy học cũng được tăng cường. Ngoài ra, Hà Nội đã triển khai đồng bộ một số giải pháp: Tổ chức phân luồng, phân tuyến học sinh hợp lý; xây mới và đưa vào sử dụng nhiều trường, phòng học. Riêng khối THPT, năm nay có thêm 2 trường công lập và 327 phòng học.

Không những vậy, Hà Nội đã tổ chức rà soát toàn bộ các điều kiện bảo đảm chất lượng của từng trường, cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên; trên cơ sở đó xây dựng lộ trình cải tạo, đầu tư phù hợp, đáp ứng tốc độ gia tăng về quy mô học sinh trong những năm tới. Hà Nội cũng đang tích cực đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện để các trường ngoài công lập phát triển, đồng hành và góp sức với hệ thống trường công lập trong việc đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của học sinh trên địa bàn Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thống Nhất