Chắp cánh ước mơ cùng sĩ tử nhí

Giáo dục - Ngày đăng : 08:29, 27/05/2018

(HNM) - Một trong những chương trình giáo dục di sản được mong đợi nhất trong dịp hè 2018 - “Sĩ tử nhí - chắp cánh ước mơ” - sẽ chính thức khởi động tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6.

Trực tiếp tham gia chế biến và thưởng thức ẩm thực truyền thống tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.


Đa dạng hình thức trải nghiệm

Những ngày này, cán bộ, nhân viên Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Trung tâm) đang tất bật hoàn thiện các phần việc chuẩn bị cho chuỗi sự kiện văn hóa kéo dài suốt 3 tháng hè mang tên “Sĩ tử nhí - chắp cánh ước mơ”. Tại hồ Văn, khu vực tập trung nhiều hoạt động chính của chương trình, không gian lều chõng truyền thống cùng dãy nhà trải nghiệm hoạt động văn hóa dân gian đã lên hình khối. Nằm cách đó không xa là trại hè sáng tác tranh. Trong khuôn viên hồ Văn còn có những cánh diều đa kiểu dáng, sắc màu, tạo nên không gian mở đầy tính nghệ thuật, gắn kết chặt chẽ với chủ đề “chắp cánh ước mơ” của chương trình.

Với mục tiêu tạo sân chơi hè 2018, lồng ghép chương trình giáo dục di sản, giúp trẻ em thêm hiểu, thêm yêu giá trị văn hóa truyền thống, chương trình “Sĩ tử nhí - chắp cánh ước mơ” gồm nhiều hoạt động văn hóa được sắp xếp theo chủ đề từng tuần, từ những màn trình diễn, trải nghiệm đến talk show, chợ phiên giải trí… Người tham gia chương trình được dẫn dắt bởi các nghệ sĩ, nghệ nhân, cùng tìm hiểu tinh hoa nghề truyền thống cũng như thực hiện quy trình hoàn thiện sản phẩm thủ công.

Đơn cử như chủ đề “Sĩ tử nhí nhập môn” với trải nghiệm làm giấy dó, ngoài việc tìm hiểu, thực hành quy trình làm theo phương thức cổ truyền, các em còn có thể sáng tác truyện, vẽ tranh ngay trên sản phẩm mới hoàn thiện khi tham gia cuộc thi “Giấy dó của sĩ tử ngày nay”. Hay như với trò chơi “Lều chõng”, người tham dự có cơ hội thể hiện hiểu biết và tìm hiểu thêm về truyền thống khoa bảng, việc học hành, thi cử thời xưa. Nghệ nhân làm giấy dó Nguyễn Văn Chúc chia sẻ: “Việc có một không gian trình diễn và tương tác thường xuyên với du khách là mong ước lớn nhất của những nghệ nhân làng nghề nhằm quảng bá, truyền lửa yêu nghề truyền thống, văn hóa dân gian tới thế hệ trẻ. Tôi vô cùng hào hứng và chắc chắn sẽ còn tham gia nhiều chương trình khác nếu được mời”.

Đưa di sản đến gần công chúng

Đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm đang là hướng đi của nhiều khu di sản văn hóa nhằm tăng sức hấp dẫn cho loại hình này, đưa di sản đến gần công chúng. Đây cũng là mục tiêu của những người thực hiện chương trình “Sĩ tử nhí - chắp cánh ước mơ”. Vì thế, bên cạnh hoạt động tìm hiểu lịch sử khoa bảng, chương trình còn có nhiều hoạt động lý thú khác như học nghề làm gốm, chế tác diều, học nấu ăn, thả đèn chữ, trình diễn nghệ thuật thư pháp… Mỗi hoạt động gắn với trò chơi, cuộc thi, hoạt động thực tế, nhằm làm tăng sự hứng khởi. Như với cuộc thi chế tác diều, các sản phẩm đoạt giải sẽ được trao bằng xác nhận của Trung tâm Bảo tồn diều Việt Nam, được gửi đi trưng bày và tham gia cuộc thi diều quốc tế.

Có rất nhiều hoạt động thú vị như thế: Vẽ tranh màu nước cho cuộc đấu giá “Tôi cho đi để nhận lại”; các phần thi “Rửa bát, quét nhà”, “Rau ai tươi ngon” trong game show “Muốn ăn thì lăn vào bếp cùng người nổi tiếng”… Để tạo sự thoải mái cho các em và giúp phụ huynh yên tâm, Trung tâm đã bố trí lực lượng chăm sóc, bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ. Phụ huynh có thể yên tâm gửi con vui chơi tại di tích, song cũng khuyến khích các gia đình cùng trải nghiệm với trẻ.

Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm, dù là giáo dục di sản hay làm du lịch, muốn thành công thì phải xác định rõ chủ thể mà hoạt động hướng tới. Việc đổi mới, đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm để cuộc chơi thêm hấp dẫn, không trùng lặp, có tính tương tác cao nhằm tạo cầu nối giữa truyền thống và hiện đại để qua đó, tình yêu các giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được nuôi dưỡng trong các bạn trẻ. Chương trình không chỉ giúp trẻ có một mùa hè thú vị, mà còn giúp các em phát triển kỹ năng sống - điều rất cần thiết trong xã hội hiện đại.

Miên Hạo