Ngập đường và mối lo rò điện

Đời sống - Ngày đăng : 13:36, 27/05/2018

Đánh giá về diễn biến phức tạp của mưa lớn và ngập nặng hiện nay, ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi đã chỉ đạo ráo riết các công ty trực thuộc rà soát lưới điện, tủ điện, không để xảy ra tai nạn do điện, đồng thời tổ chức ứng trực khi trời mưa”.

Hồ Chí Minh, khẳng định: “Chúng tôi đã chỉ đạo ráo riết các công ty trực thuộc rà soát lưới điện, tủ điện, không để xảy ra tai nạn do điện, đồng thời tổ chức ứng trực khi trời mưa”.


Ngày 19-5, sau ca trực đêm, anh Nguyễn Thanh trên đường về nhà ở quận 8 (TP Hồ Chí Minh) đã gọi đến đường dây nóng bày tỏ nỗi lo lắng: “Mưa lớn, nhiều tuyến đường bị ngập, xe và người lội bì bõm. Nhìn mấy tủ điện trên vỉa hè đang ngập, rất lo. Nếu rò điện thì sẽ có nhiều người chết”. Lo lắng của anh Thanh và nhiều người dân khác là chính đáng.

Cáp ngầm vẫn còn… nổi

Không khó để tìm khi nhiều đầu cáp điện vẫn đang “ngóc đầu” trên nhiều tuyến đường. Tại một cửa hiệu kinh doanh quần áo may sẵn trên đường Bà Huyện Thanh Quan (đoạn gần giao với đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3), ngay vỉa hè gần với trụ điện là 2 sợi cáp điện trung thế dài hơn 1m nằm trườn ra trên vỉa hè. Đầu cáp điện được bọc sơ sài bằng tấm ni lông, bên dưới là lổn nhổn ống màu cam.

Hỏi anh bảo vệ cửa hàng thì anh cũng không nhớ chính xác những sợi cáp này có từ bao giờ: “Cũng khoảng cả tháng nay rồi, họ làm xong rồi bỏ đó, không biết có điện hay không, mưa xuống cũng lo lắm”.

Không riêng gì nơi này, cứ rảo qua các tuyến đường như Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan (quận 3), Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thạch Thị Thanh, Nguyễn Cảnh Chân (quận 1), Nguyễn Chí Thanh (quận 10)…, nhiều đầu cáp hạ thế và trung thế “mọc” nhan nhản như vậy trên vỉa hè.

Cáp ngầm vẫn… nổi trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3)


Đáng lo hơn, như trước đầu hẻm 512 đường Nguyễn Chí Thanh (phường 7, quận 10) đầu cáp điện trung thế lòng thòng nằm chen giữa một “ổ nhện” dây thông tin. Anh nhân viên bảo vệ ở đầu hẻm cho biết: “Họ làm cả 2 tháng nay rồi bỏ đó, giờ nó lùng nhùng như vậy, trời mưa sợ lắm, không ai dám đứng gần”.

Ông Nguyễn Ngọc Khanh, Phó Giám đốc Ban quản lý Lưới điện phân phối (thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh - đơn vị chủ đầu tư các công trình hạ ngầm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh) giải thích: “Năm 2018, ban triển khai thi công 56 dự án hạ ngầm với tổng chiều dài 237km dây trung thế, 468km dây hạ thế, trong đó có 31 công trình đã hoàn tất phần đào và kéo cáp. Tất cả các đầu cáp mà bà con phản ánh cho là đang chờ đấu nối, đang trong giai đoạn thử nghiệm và hoàn toàn không mang điện. Ban đang chờ nhập các tủ RMU để lắp đặt, hiện nay đã về một đợt, còn tủ phân phối đang cho triển khai thi công. Việc lắp đặt các tủ sẽ hoàn tất trong tháng 7. Để bà con yên tâm, chúng tôi sẽ yêu cầu phía nhà thầu bó gọn các đầu cáp, không để tình trạng lòng thòng như hiện nay, nhằm đảm bảo mỹ quan đường phố và an toàn cho người đi đường trong mùa mưa”.

Ra đường ứng trực khi mưa lớn

Nêu lên mối lo lắng của người dân khi chỉ cơn mưa đêm 19-5 đã làm ngập và “tụ nước” hơn 30 tuyến đường, trong khi có những tuyến ngập nặng như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Xí (Bình Thạnh), Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương (Bình Tân), Nguyễn Văn Quá (quận 12)… đe dọa mạng điện hạ ngầm và nhiều tủ điện phân phối đặt trên vỉa hè có nguy cơ rò điện, ông Luân Quốc Hưng, Trưởng ban Kỹ thuật Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh nói: “Đối với lưới điện hạ ngầm là hoàn toàn yên tâm, vì cáp ngầm có thể ngâm trong nước nhiều năm, bên trong cáp ngầm có một lớp vật liệu tự trương để chống thấm nước theo chiều dọc. Đối với các tủ điện phân phối trên vỉa hè, theo thông số kỹ thuật mà ngành Giao thông - Vận tải cung cấp và yêu cầu, các tủ phân phối điện được lắp đặt phải có phần đế cao hơn 0,5m so với mặt đường, phần thiết bị điện nằm phía trên, tính ra từ mặt đường đến đầu tủ sẽ cao hơn 1m. Bên trong tủ, các thiết bị điện được đặt cao, có CB đóng cắt, nếu ngập nước thì tự động ngắt điện”.


Khi phóng viên đặt câu hỏi không loại trừ trường hợp CB bị… liệt thì khả năng rò điện là rất lớn, ông Hưng khẳng định: “Đây là mối quan tâm của ngành Điện. Trước đây, khi mưa lớn, công nhân không được thao tác kỹ thuật, còn bây giờ mưa lớn, đối với những khu vực ngập nặng, chúng tôi yêu cầu các đội vận hành phải cử công nhân ra ứng trực, theo dõi. Nếu mực nước ngập đe dọa tủ điện, sẽ báo về đội để cắt điện trên hệ thống lưới điện thông minh”.

Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty Điện lực Phú Thọ thông tin: “Để ứng phó với tình trạng mưa ngập nặng có thể ảnh hưởng đến các tủ điện, công ty đã gửi văn bản đến các phường của quận 10 và quận 11, đề nghị cho biết các điểm ngập nặng để công ty có phương án xử lý. Trước mắt, công ty đã tổ chức theo dõi tình hình ngập trên đường Ba Tháng Hai (quận 10) và Minh Phụng (quận 11). Đây được xem là 2 khu vực ngập nặng nhưng mực nước ngập đêm 19-5 vẫn chưa ảnh hưởng lớn đến các tủ điện. Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi và cắt cử công nhân ứng trực. Nếu ngập quá nặng khi mưa lớn thì sẽ cho cắt điện trên hệ thống để đảm bảo an toàn cho người dân”.

Đánh giá về diễn biến phức tạp của mưa lớn và ngập nặng hiện nay, ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi đã chỉ đạo các công ty trực thuộc rà soát lưới điện, tủ điện, không để xảy ra tai nạn do điện, đồng thời tổ chức ứng trực khi trời mưa”.

Theo SGGP