Vẫn khó truy xuất nguồn gốc

Kinh tế - Ngày đăng : 08:14, 27/05/2018

(HNM) - Việc thực hiện đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội” thời gian qua đang cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, số trái cây có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ vẫn chiếm tỷ lệ thấp; đa số người tiêu dùng phải chấp nhận mua trái cây ở các sạp ngoài chợ, vỉa hè, lòng đường không rõ nguồn gốc xuất xứ...


Hiệu quả nhưng còn khó khăn

Theo Sở Công Thương TP Hà Nội, trên địa bàn 12 quận nội thành có 941 cửa hàng kinh doanh trái cây, trong đó 817 cửa hàng có trang thiết bị bảo quản; 657 cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng; 712 cửa hàng có trang thiết bị vận chuyển; 750 cửa hàng có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc; 625 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây… Nhu cầu tiêu thụ của thành phố khoảng 52.000 tấn/tháng, trong khi khả năng sản xuất trên địa bàn chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Do đó, hằng tháng, lượng trái cây phải nhập khẩu từ nước ngoài khoảng 7.800 tấn (chiếm 15%) và nhập từ các tỉnh, thành phố cả nước khoảng 34.840 tấn. Chưa kể, dụng cụ bày bán trái cây còn sơ sài: Thùng xốp, giấy, gỗ... tăng nguy cơ lây nhiễm, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tiễn này cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trái cây của Hà Nội vẫn manh mún; người bán vẫn chạy theo lợi ích trước mắt khiến công tác quản lý và kiểm soát kinh doanh loại hàng hóa này gặp nhiều khó khăn...

Các ngành chức năng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trái cây bán ở siêu thị.


Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc trái cây ở các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại bước đầu có hiệu quả, nhưng mới chiếm một phần nhỏ. Trong khi đó, lượng trái cây được tiêu thụ phần lớn ở chợ đầu mối, dân sinh, vỉa hè... Số này hầu như không có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ nên tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do thói quen tiêu dùng, người dân vẫn lựa chọn theo cảm quan mà chưa quan tâm tới chất lượng sản phẩm.

Bà Bùi Thị Minh, chủ cửa hàng bán trái cây ở chợ Xanh (phường Văn Quán, quận Hà Đông) cho biết, trung bình mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ từ 1 đến 2 tạ các loại trái cây nhập từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, nếu lấy loại có tem nhãn thì giá cao gấp 10-20% so với loại thông thường, nên cửa hàng của bà Minh vẫn lấy hàng không tem nhãn để bảo đảm lợi nhuận vì người tiêu dùng chưa tin tưởng vào tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ...

Tăng cường tuyên truyền và kiểm tra

Để các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Hà Nội hoạt động nền nếp, bảo đảm an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó là thu hồi và xử lý thực phẩm nông, lâm sản không bảo đảm an toàn theo quy định của Bộ NN&PTNT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trái cây thuộc lĩnh vực ngành Nông nghiệp quản lý. Để đề án đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh kết nối, truy xuất nguồn gốc và xử lý triệt để tình trạng bán trái cây rong trên vỉa hè. Muốn vậy, các sở, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền để người sản xuất và người tiêu dùng hiểu được tem, nhãn, logo trái cây là thương hiệu, yếu tố bảo đảm an toàn, chất lượng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra quá trình sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh trái cây và giám sát chất lượng an toàn thực phẩm trái cây tại các chợ đầu mối, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại...

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT rà soát, đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm với các cơ sở kinh doanh trái cây theo phân cấp quản lý. Sở phối hợp với các quận và đơn vị liên quan hướng dẫn, tập huấn cho các đối tượng sản xuất thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, thông tin về các hành vi mới trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong quá trình trồng, thu hái và bảo quản sản phẩm, xây dựng thương hiệu...

Ngoài ra, Sở NN&PTNT thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các hoạt động quản lý, kinh doanh trái cây trên địa bàn; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thiết lập và vận hành hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc, chất lượng trái cây kinh doanh, tiêu thụ tại Hà Nội; khuyến khích ứng dụng mã hình Qrcode để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ trái cây bằng các thiết bị di động; đồng thời, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp tục triển khai “Quy trình xác thực chống hàng giả” để quản lý, truy xuất nguồn gốc trái cây lưu thông trên địa bàn thành phố.

Quỳnh Dung