Chính quyền đô thị phù hợp thúc đẩy sự phát triển

Chính trị - Ngày đăng : 07:15, 27/05/2018

(HNM) - Hiện nay, nhiều thành phố trên thế giới đang thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị phát huy hiệu quả tích cực trong quản lý, điều hành, thúc đẩy đô thị phát triển.

Đoàn công tác của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội khảo sát tại thị xã Sơn Tây nhằm xây dựng Đề án chính quyền đô thị.


Đa dạng các mô hình chính quyền đô thị

Chính quyền đô thị đã được nhiều nước trong khu vực Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ tổ chức thực hiện từ nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia lại có cách tổ chức thực hiện khác nhau. Ngay tại nước Mỹ, các loại hình tổ chức chính quyền đô thị ở các bang đã khác nhau rất nhiều. Điểm chung là hầu như tất cả các chính quyền đều có một loại hội đồng trung tâm do cử tri lựa chọn bầu ra và một quan chức điều hành được sự hỗ trợ của những người đứng đầu các sở, ban, ngành để giải quyết các vấn đề của thành phố.

Về cơ cấu tổ chức, đa số các thành phố của Mỹ được điều hành bằng một trong ba mô hình chính quyền như sau: Thị trưởng - Hội đồng; Ủy ban; Hội đồng - Quản đốc. Trong khi đó, tại Canada lại có 3 cấp chính quyền: Liên bang; tỉnh bang hoặc vùng lãnh thổ và đô thị. Mỗi cấp chính quyền có trách nhiệm khác nhau và nắm giữ vai trò khác nhau. Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của chính quyền cấp tỉnh, song chính quyền đô thị ở Canada vẫn có cơ cấu tổ chức riêng. Tất cả các đô thị đều có một hội đồng thành phố, các thành viên hội đồng, thị trưởng và các phòng ban chuyên môn.

Tại Trung Quốc, cơ cấu tổ chức theo chiều dọc của chính quyền tại khu vực nội thành ở các thành phố của nước này tồn tại hai loại hình thể chế là “Hai cấp chính quyền, ba cấp quản lý” và “Một cấp chính chính quyền, hai cấp quản lý”. Kết cấu theo chiều ngang ở mỗi cấp chính quyền gồm Nhân đại (hay còn gọi là Đại hội nhân dân thành phố) và hành chính các cấp. Nhân đại tương đương với HĐND thành phố ở Việt Nam. Còn tại Nhật Bản, chính quyền đô thị có hai nhánh cơ bản là lập pháp và hành pháp. Nhánh lập pháp ban hành các quy định của thành phố, quyết định ngân sách. Cơ quan đại diện cho nhánh lập pháp là hội đồng thành phố. Nhánh hành pháp thực thi các chính pháp do nhánh lập pháp quyết định. Thị trưởng thành phố và các ủy ban hành chính thuộc nhánh này.

Tại nước Đức, cơ cấu chính quyền đô thị cũng bao gồm: Cơ quan lập pháp (hội đồng thành phố) quyết định các chính sách và giám sát toàn bộ các cơ quan hành chính; cơ quan hành pháp, đứng đầu là thị trưởng, thực hiện các chính sách đã được thông qua bởi hội đồng.

Xây dựng mô hình phù hợp với Hà Nội

Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung đông dân cư với mật độ dân số cao, việc quản lý nhà nước về mọi lĩnh vực ở các quận, thị xã luôn khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với khu vực nông thôn. Đặc biệt, mô hình tổ chức và thực tiễn quản lý điều hành những năm qua cho thấy có nhiều bất cập so với yêu cầu, nhiệm vụ của quản lý nhà nước ở đô thị lớn. Trong đó nổi lên là vai trò quyết định và giám sát của HĐND các cấp chưa được phát huy đúng mức; năng lực quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của UBND còn nhiều yếu kém, việc duy trì kỷ cương, luật pháp không nghiêm... Thực tiễn đó đòi hỏi sớm có thể chế tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị phù hợp.

Theo PGS. TS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội: “Đảng, nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị”. Dẫn văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ rõ: “Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND và UBND, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi phân cấp” và tại Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020", Bộ Chính trị đã đồng ý cho Thủ đô Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận. PGS. TS Lê Minh Thông khẳng định, đó là nền tảng chính trị lớn để Thủ đô triển khai xây dựng mô hình.

PGS. TS Phạm Hồng Thái, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc nghiên cứu các mô hình chính quyền đô thị của các nước trên thế giới sẽ là cơ sở để Hà Nội tham khảo. Còn theo PGS. TS Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia: “Chúng ta cần một mô hình chính quyền đô thị với tư cách đặc thù, đó là: Nơi đặt Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, nên chọn mẫu nghiên cứu gần với Hà Nội”.

Cùng với đó, PGS. TS Lương Thanh Cường cũng cho rằng, nên phân tích sâu vào các giải pháp cụ thể cũng như những điều kiện để thực hiện chính quyền đô thị ở Hà Nội. Nên có dự báo về sự thay đổi môi trường kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của Thủ đô ít nhất là trong vòng 10-15 năm nữa, bởi nếu không thì vừa thí điểm đã lạc hậu rồi.

Hiền Thu