Nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân
Thế giới - Ngày đăng : 06:23, 28/05/2018
Cuộc họp của Ủy ban chung giám sát việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran. |
Ủy ban này gồm Nhóm P5 + 1 (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) cùng với Iran và Liên minh Châu Âu (EU) được thành lập nhằm giải quyết mọi khiếu nại về việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Cuộc họp diễn ra tại Áo mà không có sự tham gia của Mỹ và cũng là cuộc họp đầu tiên của Ủy ban kể từ khi Washington tuyên bố từ bỏ JCPOA đồng thời đe dọa khôi phục các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Trước đó, nhiều cuộc gặp song phương của các bên liên quan tới văn bản trên liên tục được xúc tiến trong những ngày qua nhưng không mang lại kết quả cụ thể. Bởi vậy, việc những thành viên còn lại của JCPOA gặp gỡ và trao đổi được giới quan sát kỳ vọng có thể đưa ra một chiến lược cứu vãn thỏa thuận lịch sử trước nguy cơ sụp đổ.
Cuộc họp được tổ chức chỉ một ngày sau khi cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo mới, xác nhận Iran tuân thủ các điều khoản đã cam kết. Tại cuộc họp, Nga và Trung Quốc mong muốn Iran tiếp tục tôn trọng JCPOA, trong khi EU muốn nhân dịp này tiến tới một thỏa thuận mở rộng, thêm cam kết liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo và vai trò của Iran ở Trung Đông nhằm tạo sự tin tưởng, mở ra hy vọng Mỹ quay trở lại JCPOA.
Tuy nhiên, Iran bác bỏ quan điểm của EU và cho rằng thỏa thuận đã ký cách đây 3 năm là đầy đủ, không cần thêm cam kết mới. Tehran yêu cầu các nước Châu Âu, trước hạn chót là cuối tháng này, phải có chương trình kinh tế bổ sung nhằm bù đắp những thiệt hại của Tehran và đòi hỏi được kết nối vào hệ thống thanh toán quốc tế. Nếu không bảo đảm được quyền lợi cốt lõi, nước này sẽ từ bỏ thỏa thuận và khôi phục chương trình hạt nhân ở quy mô công nghiệp.
Hiện các nước EU cùng Trung Quốc và Nga đều thể hiện thiện chí duy trì văn bản đã ký với Iran. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là Mỹ có ý định dùng ảnh hưởng để trừng phạt Tehran cùng các đối tác của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Nếu điều đó xảy ra sẽ tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp của Lục địa già. Nhiều công ty lớn của Châu Âu như Total, Maersk, Engie cho biết, họ có thể rút khỏi thị trường Iran để tránh trừng phạt và bảo toàn lợi ích to lớn có được khi hợp tác với Mỹ.
Đây cũng là một thử thách cả về ngoại giao và thương mại đối với EU trước những động thái khó đoán định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Khoảng 37% lượng dầu xuất khẩu của Iran là sang các nước Châu Âu.
EU cũng được coi là đối tác thương mại hàng đầu của Tehran. Các nước trong liên minh hiện đang nghiên cứu 3 kế hoạch bảo vệ thương mại với Iran trước sức ép từ Mỹ, gồm: Quy chế pháp lý ngăn chặn các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty EU; Tài trợ bằng đồng euro từ Ngân hàng Đầu tư Châu Âu cho các công ty; Có các hình thức đáp trả tương đương với các biện pháp trừng phạt do Bộ Tài chính Mỹ đưa ra.
Các chuyên gia nhận định, dù các nước không thể thống nhất về những bảo đảm cụ thể sau khi nhóm họp tại Áo, song những trao đổi tại đây là cơ hội để các bên thể hiện rõ mong muốn duy trì thỏa thuận chung, tạo điều kiện cần thiết để Iran tiếp tục tuân thủ các cam kết và bảo vệ các hoạt động làm ăn hợp pháp. Việc JCPOA có được cứu vãn hay không còn phụ thuộc vào những nỗ lực tiếp theo từ chính các thành viên còn lại của thỏa thuận lịch sử này.