Hỗ trợ tối đa để xây dựng nhà ở cho công nhân
Đời sống - Ngày đăng : 08:01, 28/05/2018
Một góc khu nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Thái Hiền |
Nhu cầu nhà ở lớn
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 19 khu công nghiệp. Hiện 10 khu công nghiệp đang hoạt động, trong số này chỉ có 4 khu công nghiệp đã bố trí đất theo quy hoạch để xây dựng nhà ở cho công nhân (các khu công nghiệp Phú Nghĩa, Bắc Thăng Long, Quang Minh II, Thạch Thất - Quốc Oai).
Tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), dự án nhà ở xã hội cho công nhân do Công ty CP Tập đoàn Phú Nghĩa là chủ đầu tư, diện tích 3,97ha gồm 5 khu nhà với 10 đơn nguyên, tương đương 1.144 phòng, đáp ứng 7.900 chỗ ở. Đến nay, đã hoàn thiện được một tòa nhà với 106 phòng, đáp ứng chỗ ở cho 800 công nhân, người lao động.
Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai có hai dự án nhà ở. Trong đó, khu nhà ở công nhân do Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam làm chủ đầu tư có diện tích 2,07ha gồm 3 đơn nguyên nhà cao 6 tầng; dự kiến, khi hoàn thành sẽ cung cấp 3.000 chỗ ở cho công nhân. Hiện tại, có 2 tòa nhà tương đương 2.000 chỗ ở cùng các công trình phụ trợ đã được đưa vào sử dụng. Dự án nhà ở công nhân thứ hai trong khu công nghiệp này do Công ty TNHH Young Fast đầu tư có diện tích trên 4.400m2 đáp ứng khoảng 3.200 chỗ ở đã được đưa vào sử dụng phục vụ cho chuyên gia và công nhân công ty.
Dự án khu nhà ở xã hội cho công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) phục vụ công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã hoàn thành 24 đơn nguyên nhà 5 tầng và 3 khối nhà 15 tầng, đáp ứng 13.350 chỗ ở.
Như vậy, các dự án đã hoàn thành tại các khu công nghiệp, mới giải quyết được khoảng 19.350 chỗ ở cho công nhân và nếu cộng tất cả số lượng chỗ ở khi các công trình hoàn thành cũng chỉ được 27.450 chỗ. Với khoảng 150.000 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn, ước tính nhu cầu nhà ở công nhân khá lớn.
Thêm 7 dự án nhà ở công nhân
Ngoài các dự án nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp đã hoạt động, hiện nay một số khu công nghiệp cũng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và bố trí đất xây dựng nhà ở cho công nhân. Ông Bùi Tiến Thành, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết theo Quyết định số 6363/QĐ-UBND (ngày 28-11-2014) của UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở của Hà Nội năm 2015 và các năm tiếp theo thì mục tiêu phát triển nhà ở công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp giai đoạn 2016-2020 là 567.539m2 sàn xây dựng.
Căn cứ vào quyết định này, Hà Nội đang triển khai 7 dự án nhà ở công nhân (khoảng 65,2ha, tương đương 9.090 căn hộ). Đến nay, có 2 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, 1 dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nhưng chưa có quyết định đầu tư; 4 dự án còn lại đang trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Được biết, trong số đó, các khu công nghiệp mới khi phê duyệt quy hoạch chi tiết đều có quỹ đất làm nhà ở công nhân. Đó là Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn dành 197.046m2 đất xây dựng nhà ở và công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt của công nhân. Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, đối với phần diện tích triển khai giai đoạn 1, chủ đầu tư đã điều chỉnh dành 0,9ha xây dựng nhà ở công nhân; trong giai đoạn tiếp theo cũng sẽ dành phần đất để xây dựng nhà ở công nhân.
Khu công nghiệp Quang Minh I và II cũng được UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho phép chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch chi tiết để dành một phần đất xây dựng quỹ nhà cho người lao động. Còn lại 9 khu công nghiệp (trong tổng số 19 khu công nghiệp của Hà Nội), thành phố sẽ nghiên cứu, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân gắn liền với các khu công nghiệp.
Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân các khu công nghiệp Đồng bằng sông Hồng ngày 20-5 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, các khu nhà ở công nhân chủ yếu là căn hộ có diện tích từ 30m2 đến 45m2; có giá bán ở mức 200-400 triệu đồng. Người lao động có thể mua, hoặc thuê với giá phù hợp. Cùng với việc xây nhà ở cho công nhân, thành phố cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng các thiết chế văn hóa đi kèm, trường mầm non, khu vui chơi.
Xác định việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp là việc làm cần thiết để người lao động có nơi ở ổn định, từ đó mới yên tâm làm việc. Do vậy, Hà Nội đã khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Thành phố dành ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân, như miễn tiền sử dụng đất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư cũng được huy động vốn của công nhân theo quy định để xây nhà ở. Công nhân, người lao động có thể được vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua nhà ở. Nếu thực hiện các dự án này trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội cho công nhân trên địa bàn theo yêu cầu của Chính phủ.