Bài cuối: Triển vọng lớn từ măng tây
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:18, 28/05/2018
Tiềm năng lớn
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, cây măng tây được trồng ở Hà Nội từ năm 2013 và diện tích trồng hiện nay gần 9ha, tập trung tại các huyện: Phúc Thọ, Đan Phượng, Phú Xuyên. Trong đó, măng tây trắng lần đầu tiên được trồng ở xã Hồng Thái.
Theo đánh giá của Phó Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Diệu Thúy, cây măng tây tại xã Hồng Thái bước đầu cho thấy khá phù hợp thổ nhưỡng nên sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh. Điều kiện về tự nhiên như đất phù sa sông Hồng, nguồn nước tưới, không khí sạch và thoáng đãng là cơ sở quan trọng để sản xuất măng tây theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Trồng măng tây mang lại hiệu quả cao và đang từng bước được nhân rộng. Ảnh: Bá Hoạt |
Để loài cây này sinh sôi và phát triển tốt ở Hồng Thái, ngoài thổ nhưỡng, chất lượng giống có vai trò rất quan trọng. Như lời Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Phùng Thị Thanh Chúc: “Hạt giống măng tây đang được trồng tại xã Hồng Thái là hạt giống F1, nhập khẩu trực tiếp từ Tập đoàn Lim Group của Hà Lan. Trước khi đưa hạt giống về, chúng tôi phải 2 lần gửi mẫu đất để phía Hà Lan nghiên cứu, tuyển loại giống phù hợp. Trong quá trình trồng măng tây, người nông dân ở xã Hồng Thái được hướng dẫn sản xuất theo quy trình chăm sóc VietGAP và quy trình sản xuất hữu cơ dưới sự giám sát của các chuyên gia Hà Lan và Học viện Nông nghiệp Việt Nam nên mọi sự đều thuận lợi”.
Tuy vậy, việc phát triển cây măng tây ở Phú Xuyên cũng gặp một số khó khăn nhất định. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho rằng, đầu tiên là chi phí sản xuất lớn, nên giá thành sản phẩm măng tây ở đây cao hơn 30% so với sản xuất măng tây bình thường. Trong khi đó, người tiêu dùng chưa hiểu rõ nên chưa chấp nhận mức giá này.
Thậm chí vẫn còn so sánh chất lượng sản phẩm, giá sản phẩm măng tây của Phú Xuyên với măng tây ở nơi khác trồng theo phương pháp truyền thống. Nguồn hạt giống để trồng cũng rất quan trọng, người dân khó tiếp cận để mua, nhất là với loại giống tốt của Tập đoàn Lim Group Hà Lan. Vì vậy thành phố cần tiếp tục có chính sách nhập khẩu giống cung cấp cho người trồng để tạo vùng sản xuất lớn về măng tây…
Định hướng phát triển quy mô lớn
Việc tạo quỹ đất để trồng măng tây cũng là bài toán không đơn giản. Được biết, để có được diện tích 5ha như hiện nay, huyện Phú Xuyên và xã Hồng Thái đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận cho thuê lại quỹ đất nông nghiệp của hộ gia đình trong thời gian 10 năm. Giá thuê lại đất tương đối cao, khoảng 44,5 triệu đồng/ha/năm.
Vậy nhưng, theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa, huyện xác định, để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đưa cơ giới vào sản xuất, tạo vùng sản xuất lớn thì phải giải quyết được vấn đề tích tụ diện tích đất ruộng cho các hộ gia đình cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất. Hơn nữa, với phương châm cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm tạo quỹ đất để mời gọi chủ đầu tư, hiện nay, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện chủ động xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng trên toàn huyện để có cơ sở xác định chất đất phù hợp cho từng loại cây trồng...
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Phạm Hải Hoa, UBND huyện sẽ trực tiếp làm việc với các xã để chỉ đạo xã thỏa thuận với các hộ dân có quỹ đất được giao theo Nghị định 64-CP thống nhất chủ trương cho thuê lại với thời gian từ 10 đến 20 năm. Đồng thời, chỉ đạo các hợp tác xã đứng ra ký hợp đồng với các hộ gia đình, cá nhân để tạo quỹ đất mở rộng cho sản xuất măng tây và các mô hình sản xuất nông nghiệp khác tại các xã có vùng đất bãi như Hồng Thái, Minh Tân, Tri Thủy...
Ngoài ra, với suất đầu tư mô hình măng tây ban đầu lớn (1ha đầu tiên khoảng 3,7 tỷ đồng cho các hạng mục cố định, 13,7 tỷ đồng cho quy trình sản xuất 12 năm), nên huyện Phú Xuyên đã xây dựng chính sách hỗ trợ. Cụ thể, với diện tích không quá 1ha, hỗ trợ 100% kinh phí mua giống, hỗ trợ 80% kinh phí làm nhà lưới, nhà màng, nhà kính; 50% kinh phí triển khai lắp đặt hệ thống nước tưới; 100% kinh phí xây dựng tiêu chuẩn nông sản VietGAP và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể... Hiện huyện đang xin ý kiến UBND thành phố cho phép sử dụng địa danh Hồng Thái để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm măng tây…
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Diệu Thúy cho biết, định hướng chung của Hà Nội là cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, ngành Nông nghiệp rất quan tâm đến các cây trồng mang lại giá trị thu nhập cao như măng tây.
“Tuy nhiên, để có cơ sở phát triển loại cây này cần tiếp tục theo dõi, đánh giá thật đầy đủ, hạch toán kinh tế, dự báo được thị trường tiêu thụ; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thu mua sản phẩm”, bà Thúy phân tích.
Để mở rộng diện tích cây măng tây, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng của thành phố phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tiếp tục hỗ trợ, mở rộng mô hình này lên 100ha (theo Thông báo 250/TB-UBND ngày 13-3-2018 Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Phú Xuyên). Đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp phối hợp với huyện đầu tư sản xuất trên diện tích 100ha măng tây.
“Cùng với đó có chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà kính để trồng cây măng tây, hỗ trợ tiền thuê đất trong thời gian 5 năm đầu (hoặc dài hơn); tạo thuận lợi cho huyện và các doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; kết nối với các doanh nghiệp, các siêu thị, nhà hàng lớn trên địa bàn thành phố để tiêu thụ sản phẩm măng tây” - Bí thư Phạm Hải Hoa kiến nghị.
Hy vọng, với sự hỗ trợ của thành phố, cũng như những nỗ lực của chính quyền địa phương, trong thời gian tới Phú Xuyên sẽ phát triển thành trung tâm sản xuất măng tây để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Nếu thành công, mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở đây sẽ trở thành điểm sáng và nhân rộng trên địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và sự phát triển của ngành Nông nghiệp Hà Nội.