Chắp cánh cho sáng tạo

Văn hóa - Ngày đăng : 10:40, 29/05/2018

(HNMO) - Sân khấu Thủ đô nói riêng và sân khấu cả nước nói chung lâu nay thiếu vắng những tác phẩm hay. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là mối quan hệ giữa tác giả kịch bản với các nhà hát nghệ thuật còn lỏng lẻo.


Mối quan hệ giữa tác giả sân khấu và các nhà hát nghệ thuật là mối quan hệ hữu cơ, cộng sinh, không thể tách rời. “Có bột mới gột nên hồ”, không có kịch bản hay thì không có tác phẩm sân khấu tốt. Mối quan hệ ấy là sự ràng buộc giữa nhiều đối tượng, gồm tác giả - quản lý nhà hát - Hội đồng nghệ thuật - khán giả. Nếu lỏng lẻo trong bất cứ khâu nào thì khó tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh, đúng hướng.

Theo nhà báo chuyên về sân khấu Cao Minh, thực tế sân khấu Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, mối quan hệ giữa tác giả sân khấu và nhà hát nghệ thuật khá độc lập.

Thậm chí những người kiến tạo nên không gian đa sắc của sân khấu là tác giả còn bị bỏ rơi. Họ cứ lặng lẽ viết, rồi gửi kịch bản đến nhà hát, nếu thấy phù hợp nhà hát sẽ dựng vở, tác giả có một khoản tiền nhất định. Quan hệ giữa tác giả và nhà hát lúc này cơ bản chấm dứt.

Thế nên mới có chuyện, nhiều vở được công diễn, tác giả không nhận ra đó là tác phẩm của mình, vì ê kíp dàn dựng đã thay đổi theo cách nghĩ của họ. Hoặc ở trạng thái khác, khi được cấp trên giao chỉ tiêu dựng tác phẩm, các nhà hát thường chọn kịch bản của tác giả quen thuộc, có tiếng cho "an toàn".

Vì vậy, những tên tuổi sung sức, chắc tay như Lê Chí Trung, Xuân Đức, Lê Quý Hiền, Chu Thơm… xuất hiện liên tục khắp các nhà hát. Điều này khiến sân khấu kém phong phú, thiếu mới mẻ. Trong khi, đời sống sáng tác sân khấu khá sôi nổi, hàng trăm cây bút trẻ trung, tràn đầy sức sáng tạo lại ít được "ngó" đến.

Có một thực tế đáng tiếc là trong nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn của các tác giả sân khấu, các đợt mở trại sáng tác hay thu hoạch kịch bản do hội nghề nghiệp tổ chức, ít thấy có sự xuất hiện của lãnh đạo các nhà hát nghệ thuật.

Vì vậy, có những tác phẩm tốt nhưng chưa được các nhà hát biết đến. Còn tác giả cũng chỉ biết “rút ruột” sáng tác mà không biết những “đứa con” của mình có phù hợp với nhà hát nào không? Tình trạng “đường ai nấy đi” như vậy khó lòng đưa sân khấu vươn lên.

NSƯT Đào Trung (Nhà hát Cải lương Hà Nội) bày tỏ, tại các nhà hát hiện nay, việc tìm kịch bản hay, phù hợp khá khó khăn cho dù có cả chồng kịch bản gửi đến. Đôi khi, nhà hát thấy có kịch bản tốt nhưng đơn vị khác đã dàn dựng hoặc không thống nhất được với tác giả thì cũng khó thành công.

Theo nghệ sĩ này, các nhà hát hiện nay nên thay đổi cách ứng xử với tác giả, phải trân trọng, đầu tư cho tác giả. Sự trân trọng ấy không phải chỉ khi thấy có kịch bản phù hợp thì tìm cách mua bằng được mà phải được gây dựng, kết nối, tìm hiểu trong một thời gian dài. Tác giả có quyền được đồng hành cùng nhà hát từ khi hình thành ý tưởng, sáng tác kịch bản đến khi dàn dựng và biểu diễn.

Hiện nay, trong xu thế hội nhập và phát triển, các nhà hát của Hà Nội đang tiến đến thực hiện cơ chế tự chủ. Sức sống của nhà hát hoàn toàn phụ thuộc vào kịch mục và chất lượng vở diễn. Vì vậy, mối quan hệ giữa tác giả và nhà hát phải thay đổi, cùng hướng tới khán giả, vì sự phát triển chung.

Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội, sự vận động nên từ cả hai phía. Các nhà hát xác định rõ hướng đi của đơn vị mình hay từng đoàn diễn, từ đó lựa chọn hoặc khuyến khích tác giả có cùng chí hướng để mời cộng tác.

Hằng năm, các nhà hát nên tổ chức gặp các tác giả, cộng tác viên để trao đổi, thông báo về định hướng hoạt động, yêu cầu về thể loại, đề tài cũng như đối tượng khán giả hướng đến và gợi ý sáng tác cho người viết kịch.

Về phía các tác giả, khi xây dựng ý tưởng tác phẩm, cần hướng tới nhu cầu, phong cách của từng nhà hát, đơn vị sân khấu để sáng tác “đúng”, “trúng” vấn đề được khán giả quan tâm, đồng thời liên tục sáng tạo, tìm tòi chất liệu trong đời sống để có được tác phẩm gần gũi, hấp dẫn.

An Nhi