Làm rõ trách nhiệm để... "trị bệnh"

Giao thông - Ngày đăng : 07:32, 30/05/2018

(HNM) - Cùng với yêu cầu kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra những ngày qua, Bộ GT-VT cho biết sẽ thành lập tổ công tác tiến hành rà soát xem có bất hợp lý ở khâu nào, cấp nào? Đồng thời, Bộ này cũng sẽ tổ chức hội nghị với các địa phương có đường sắt chạy qua để thống nhất về trách nhiệm của đơn vị liên quan trong bảo đảm an toàn giao thông đường sắt...


Chỉ trong 4 ngày (từ 24 đến 27-5), trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra 4 sự cố, tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết 2 người, bị thương 11 người, gây thiệt hại lớn về phương tiện và tài sản. Đến thời điểm này, nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn nói trên vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho rằng, khó khăn lớn nhất trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông hiện nay là có quá nhiều đường ngang đồng mức giao cắt với đường sắt. Trên hệ thống đường sắt quốc gia hiện có 1.517 đường ngang giao cắt hợp pháp, trong đó 652 đường ngang có người gác, 380 đường ngang cảnh báo tự động, 485 đường ngang có biển báo. Dọc tuyến còn có 4.211 đường ngang dân sinh giao cắt trái phép. Bình quân cứ 1,8km đường sắt lại có một vị trí giao cắt đường ngang. Mật độ đường bộ giao cắt với đường sắt cao, trong khi ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, nên tai nạn giao thông đường sắt vẫn luôn thường trực...

Theo Bộ GT-VT, cùng với những bất cập về hạ tầng, nhiều đường ngang giao cắt với đường sắt; phương tiện và trang thiết bị lạc hậu, còn có nguyên nhân rất lớn đến từ những khâu thực thi nhiệm vụ của đội ngũ nhân viên ngành Đường sắt. Hiện vẫn còn tình trạng một số đơn vị, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn; một số đơn vị đường sắt chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ GT-VT và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt về bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt. Công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về chạy tàu, bảo đảm an toàn giao thông đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, nhất là đội ngũ lái tàu, trực ban chỉ huy chạy tàu, gác chắn đường ngang đôi khi còn hạn chế...

"Kỷ luật, kỷ cương về an toàn của đường sắt không được tuân thủ nghiêm. Đây là nguyên nhân xảy ra tai nạn, nếu không xử lý sẽ lại xảy ra. Cùng với đó, việc xử lý trách nhiệm cá nhân sau các vụ việc vi phạm của Tổng công ty VNR còn né tránh, kéo dài" - Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông cho biết. Ngoài ra, công tác cứu hộ, cứu nạn của ngành Đường sắt chưa tốt. Dù Tổng công ty VNR đã điều động rất nhiều người tới hiện trường, nhưng "tư lệnh" để chỉ đạo giải quyết vụ việc không có, nên sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa hiệu quả.

Phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng là quan điểm được Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng nhấn mạnh. Theo ông Hùng, vụ tai nạn ngày 24-5 làm 2 người chết và 10 người bị thương, các nhân viên gác chắn bị khởi tố. Tuy nhiên, các vụ tai nạn đường sắt vừa xảy ra chưa thấy người đứng đầu nào bị VNR xử lý, ít nhất là đình chỉ để báo cáo, kiểm điểm. Do vậy, cần truy rõ trách nhiệm để chấn chỉnh tình trạng vi phạm, mất an toàn giao thông đường sắt...

Kết luận tại cuộc họp về công tác bảo đảm an toàn giao thông đường sắt vào chiều tối 28-5, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể xin nhận trách nhiệm trước Đảng và nhân dân khi để ngành Đường sắt xảy ra nhiều yếu kém thời gian qua, đồng thời xin lỗi các gia đình có người thiệt mạng trong các vụ tai nạn đường sắt. Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo ngành Đường sắt nghiêm túc rà soát, kiểm tra, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn từ ngay trong các quy định nội bộ; phân tích kỹ, phải rà soát lại nhiệm vụ từ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đến cán bộ bẻ ghi, gác chắn… Bộ GT-VT đã giao Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì thành lập tổ công tác gồm Thanh tra Bộ, các đơn vị liên quan, xem lại các quy định chưa hợp lý ở khâu nào, tổ chức hội nghị với các địa phương có đường sắt để thống nhất xem trách nhiệm của Bộ thế nào, địa phương ra sao?!...

Trung bình mỗi năm, Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức 45 cuộc thanh tra, tập trung về an toàn giao thông và kiểm soát tải trọng tàu. Năm 2017, Thanh tra Cục đã xử phạt 1.040 hành vi, 5 tháng đầu năm nay xử phạt 259 hành vi sai phạm của các cá nhân.

Tuấn Lương