Trạm thu gì?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 30/05/2018

(HNM) - Những ngày qua, dư luận sôi lên vì các bức ảnh có tên gọi


Sự xốn mắt, gợn lòng nhanh chóng được một số nhà quản lý đưa ra câu trả lời: Ấy là làm theo quy định của pháp luật.

Trạm thu phí trên tuyến BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Thái Hiền


Cụ thể, theo các chuyên gia lý giải, trong Pháp lệnh Phí và Lệ phí được Quốc hội ban hành năm 2001 đã quy định: "Phí sử dụng đường bộ" do Nhà nước quản lý, ban hành. Đến năm 2015, khi Luật Phí và Lệ phí được Quốc hội ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) thì một số loại phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá do Nhà nước định theo Luật Giá, trong đó "phí sử dụng đường bộ" được chuyển thành "giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh".

Sự thay đổi này sẽ không có gì ồn ào, nếu thời gian qua câu chuyện vị trí đặt trạm thu phí của các dự án xây dựng theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trên nhiều tuyến đường có không ít bất cập khiến dư luận quá nóng. Đi liền với đó là một câu hỏi mang ý nghĩa niềm tin sâu sắc liên quan tới việc này - "ai quyết định mức thu"?

Thẩm quyền quy định giá dịch vụ sử dụng đường bộ xem ra cũng khá rõ về căn cứ pháp lý, khi Luật Phí và Lệ phí quy định: "Các khoản phí chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá do Nhà nước định giá".

"Do Nhà nước quy định" - ắt phải theo luật. Nhà nước đã có Luật Giá (ban hành ngày 20-6-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013). Quy định chi tiết thực hiện luật này, Nghị định 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11-11-2016 nêu rõ: Bộ GT-VT là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GT-VT quản lý; UBND cấp tỉnh quy định giá sử dụng dịch vụ đối với đường địa phương.

Thực hiện Nghị định số 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ GT-VT đã ban hành Thông tư 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GT-VT quản lý và Thông tư 49/2016/TT-BGTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Tại các thông tư này đã quy định rõ: “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”.

Như vậy, việc chuyển đổi tên gọi từ thu phí sử dụng đường bộ sang thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, cũng như việc Bộ GT-VT quy định giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ - hoàn toàn tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nhưng chuyện đã rõ như ban ngày rồi, sao vẫn trở nên... oi bức?

Câu trả lời trước hết liên quan tới cách "hạ nhiệt" dư luận. Các chuyên gia, những nhà quản lý... tuy nắm rất chắc, rất sâu những sự thay đổi "về chất" chuyện chuyển từ "phí" sang "giá" của một số dịch vụ, về quyền ban hành giá... nhưng lại thiếu chia sẻ với tâm lý, băn khoăn của người dân. Thành ra cách giải thích còn khá cứng nhắc, nặng về dẫn người nghe vào những văn bản luật lý kiểu "phải thực hiện thôi". Đời sống muôn mặt, hệ thống pháp luật thì khá nhiều, lại thay đổi dích dắc... làm sao người dân tinh thông, thuộc lòng được như các chuyên gia để mà "thông" ngay - nhất là khi những bức xúc liên quan tới câu chuyện đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường có phần bất hợp lý trên nhiều tuyến đường bộ BOT, BT vừa qua chưa được "hạ nhiệt" hẳn.

Một căn nguyên khác, chính là trong thực tế, các nhà đầu tư dự án BOT đã sử dụng tên gọi tắt là “Trạm thu giá”. Cách gọi này tuy có ưu điểm ngắn gọn, song lại không đủ "gánh" được những nội dung mà theo văn bản của Bộ GT-VT quy định (nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện). "Trạm thu giá" chình ình nhiều nơi hiện nay là thu giá (dịch vụ hay nhiều dịch vụ) gì? Giá bao nhiêu ứng với dịch vụ nào?

Dính đến "đồng tiền, bát gạo" của dân mà hành xử có phần "tù mù" vậy - e là người đi đường khó mà thiện cảm, vui vẻ móc tiền khi qua trạm. Sao không giải thích rõ hơn cho dân hiểu, dân cảm thông với những thay đổi và những quy định đã rõ như ban ngày? Đã rõ như ban ngày rồi - còn phải ngại gì mà không dám công khai? Coi khách hàng sử dụng dịch vụ là "Thượng đế" - tiếc gì việc tuyên truyền, lý giải cho "dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm"? Nhất là khi quy định của mình có tác động tới đông đảo người dân, trình độ nhận thức khác nhau?

Trả lời cho đủ, cho rõ những câu hỏi này - chính là cách hạ nhiệt, cách lấy lại sự đồng thuận của người dân trong thực hiện chủ trương, chính sách. Đồng thời cũng là cách cải thiện bền vững, thân thiện mối quan hệ giữa doanh nghiệp đầu tư (hoạt động trong cái "khung" quy định của cơ quan nhà nước) với đông đảo người dân. Bởi thế trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình mới đây, Bộ GT-VT đã thể hiện rõ sự cầu thị này: "Bộ GT-VT tiếp thu các ý kiến của người dân, các cơ quan báo chí và sẽ yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để sử dụng tên gọi cho phù hợp".

Câu chuyện "Trạm thu gì" không đơn giản là chữ nghĩa, mà là những chiều sâu đi liền với nó. Và khi đó - một tên biển mới với các yếu tố: Công ty X, Tuyến đường (hoặc đoạn đường từ Km đến Km) và "Trạm thu giá (hoặc phí?) sử dụng dịch vụ đường bộ” - phải chăng là câu trả lời minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện nhất cho tất cả mọi người?

Ngoài phí sử dụng đường bộ được chuyển thành giá sử dụng đường bộ, theo Luật Phí và Lệ phí 2015, còn 16 loại phí khác được chuyển thành giá sản phẩm dịch vụ, gồm: Thủy lợi phí (chuyển thành: Giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi), phí chợ (giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ), phí qua đò, qua phà (giá dịch vụ sử dụng đò, phà), phí sử dụng cảng, nhà ga (giá dịch vụ sử dụng cảng, nhà ga), phí trông giữ xe (giá dịch vụ trông giữ xe), phí kiểm dịch y tế (giá dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng)...

Long Hà