Phòng, chống tác hại thuốc lá: "Cuộc chiến"… chưa có hồi kết
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:54, 31/05/2018
Hiện tượng hút thuốc lá tại nơi công cộng diễn ra rất phổ biến. Ảnh: Anh Tuấn |
Chưa ai bị phạt…
Qua khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số bệnh viện, bến xe… trên địa bàn Thủ đô vào sáng 29-5 cho thấy, từ khu vực cổng, dọc theo các sảnh, hành lang cho đến phòng chờ đều có biển cấm hút thuốc và những hình ảnh cảnh báo về tác hại do khói thuốc gây ra. Tại đây, không khó để bắt gặp những người vẫn thản nhiên nhả khói, “san sẻ” cho nhau “mồi lửa” để châm thuốc…
Hơn 8h sáng 29-5, ngay trong phòng bảo vệ trước cổng Bến xe Gia Lâm, 2 nhân viên đang phì phèo thuốc lá. Gần đó, một vài tài xế xe buýt trong lúc chờ khách cũng tranh thủ hút thuốc. Chị Nguyễn Thị Hoa (35 tuổi ở phường Việt Hưng, quận Long Biên) đứng đón xe để đến Mỹ Đình bức xúc: Hành vi hút thuốc lá diễn ra ở mọi nơi, thậm chí cả ở những nơi có nguy cơ cháy nổ… Họ hút thuốc công khai, mặc kệ phản ứng của những người xung quanh.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức vào 9h sáng 30-5 có rất đông người bệnh, người nhà bệnh nhân ra vào. Hiện tượng hút thuốc ở khu vực làm thủ tục nhập viện, cấp cứu, phòng điều trị, Khoa Khám bệnh… không có.
Tuy nhiên, ngay trước lối vào cổng chính của bệnh viện, đầu mẩu thuốc lá vứt vương vãi khắp nơi, trong khi có nhiều người vẫn vô tư "rít" thuốc lá. Tại các quán nước quanh bệnh viện đều thấy cảnh người bán, người mua thuốc hút.
Khi chúng tôi đưa ra lời khuyên với một số cá nhân đang hút thuốc, một vài người tỏ vẻ phớt lờ, số khác lịch sự dập ngay điếu thuốc đang hút dở và có người phân bua: “Tôi đưa em trai bị tai nạn giao thông vào đây cấp cứu. Do lo lắng nên "rít" vài hơi cho bớt căng thẳng…”.
Tương tự, hơn 10h sáng 29-5, tại Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh đến khám rất đông, chật kín hành lang và khuôn viên bệnh viện. Theo quan sát, ở các khu vực vườn hoa, gốc cây, ghế đá đều có ít nhất 1-2 người đàn ông vô tư “đốt thuốc”. Tại khuôn viên Nhà thuốc số 8, thuộc khu vực tư vấn và tái khám chuyên khoa theo yêu cầu của bệnh viện dù có tới 2 tấm biển cấm hút thuốc, nhưng gần đó vẫn có 2 người đàn ông đang nhả khói.
Bác Đặng Thị Thìn (65 tuổi, ở Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) đang chờ chồng vào khám bệnh chia sẻ, dưới cái nắng gay gắt cùng lượng người vào bệnh viện đông, lại thêm mùi thuốc lá thì không khác gì “hành xác”. Người có bệnh thêm mệt mỏi, người không bệnh cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (có hiệu lực từ năm 2013) đã quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, gồm cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, bến xe… Tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14-11-2013 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, có các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Điều 22 của nghị định này quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi như hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá ở những địa điểm được phép hút thuốc lá…
Còn tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ban hành ngày 18-11-2016 (có hiệu lực từ ngày 1-2-2017) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chính phủ đã quy định phạt nặng đối với các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng, đặc biệt là hành vi bỏ tàn thuốc lá không đúng nơi quy định.
Cụ thể, hành vi vứt, thải, bỏ đầu mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tăng gấp 10 lần so với mức phạt trước đây. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có cá nhân nào bị phạt do hút thuốc ở những nơi cấm cũng như việc thải mẩu, tàn thuốc không đúng nơi quy định...
Tăng cường hiệu quả xử phạt
Nhiều người vẫn hút thuốc và vứt đầu lọc bừa bãi trước cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. |
Với giá rẻ, có thể dễ dàng mua thuốc lá ở bất cứ nơi đâu và việc giám sát, xử phạt chưa nghiêm đang gây khó khăn cho việc cai nghiện, kéo giảm số người hút thuốc lá ở nước ta. Theo ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, dữ liệu toàn cầu của WHO năm 2017 chỉ ra rằng, giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới.
Thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá Việt Nam trên giá bán lẻ chỉ chiếm từ 35% đến 40% (cách xa khuyến cáo của WHO là 70%) và nằm trong nhóm 3 nước có thuế thuốc lá thấp nhất trên thế giới (cùng Lào và Campuchia).
Hiện tại, ở Việt Nam có đến 45,3% nam giới hút thuốc lá. Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho rằng, để đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới còn 39%, Việt Nam cần tăng thuế tiêu thụ thuốc lá, đồng thời tăng cường hiệu quả của việc xử phạt.
"Chúng tôi đang nghiên cứu để ban hành cơ chế phạt "nguội" như ở Singapore; nghĩa là chỉ cần chụp được ảnh có đầy đủ tên cơ sở để xảy ra vi phạm hoặc người có hành vi hút thuốc và các hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để xử phạt theo đúng quy định của pháp luật" - bà Phan Thị Hải cho biết thêm.
Việt Nam đã tổ chức 19 năm "Tuần lễ quốc gia không thuốc lá" (diễn ra từ ngày 25 đến 31-5 hằng năm) và 5 năm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, song, nếu các biện pháp đưa ra không được triển khai nghiêm túc và hiệu quả thì cuộc chiến chống khói thuốc sẽ vẫn rơi vào cảnh… “nửa vời”.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam phải chi 31 nghìn tỷ đồng/năm cho việc mua thuốc lá. Ngoài ra, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất sức lao động vì đau ốm và tử vong sớm của 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra: Ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 23 nghìn tỷ đồng/năm. |