Cần cơ chế mang tính cách mạng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:48, 01/06/2018
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, Luật Phòng, chống tham nhũng cần được sửa đổi toàn diện.
Dự luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) ở thời điểm này, nếu so sánh với bản dự thảo được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV đã có nhiều thay đổi sau khi lấy ý kiến các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và quần chúng nhân dân. Nhưng ngay cả như vậy thì tính hiệu lực của dự luật vẫn có một số điểm đáng suy nghĩ. Bởi, nếu không có một cơ chế táo bạo, quyết liệt, cho phép xử lý triệt để vấn đề tài sản bất minh, tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp lý, hợp pháp thì “động lực” của tham nhũng vẫn còn và những quy định mới về công khai, minh bạch, kiểm soát xung đột lợi ích, về việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng… vẫn đứng trước nguy cơ bị vô hiệu hóa, đặc biệt là khi việc thu hồi tài sản có dấu hiệu tham nhũng được “chuyển hóa” qua người thân các đối tượng tham nhũng có nhiều diễn biến bất thường.
Vì thế, ở thời điểm này, có hình thành được một cơ chế pháp lý mang tính “cách mạng” cho phép thu hồi triệt để tài sản tham nhũng và quan trọng hơn nữa là triệt tiêu được động lực của tham nhũng hay không là điều đang được dư luận quan tâm. Và để có được một cơ chế như vậy phải được thiết lập trên hai trụ cột. Một là, cho phép tịch thu toàn bộ tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp lý, trong điều kiện chưa thể áp dụng đối với toàn dân thì trước hết, phải áp dụng đối với cán bộ quản lý, công chức và người thân bao gồm vợ/chồng, con cái, anh em ruột, bố mẹ vợ/chồng.
Hai là, luật hóa một điều khoản đặt nền móng cho việc kê khai, xây dựng cơ sở dữ liệu để có thể kiểm soát được “di biến động” về tài sản của toàn xã hội. Ngoài ra, nhân tố con người mới chính là yếu tố đặc biệt quan trọng trong hoạt động của bộ máy nhà nước và trong công tác phòng, chống tham nhũng. Do đó, cùng với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, phải tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm sự giám sát chặt chẽ từ phía người dân.
Ngày 10-5, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 01-QĐ/TƯ, quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng, với rất nhiều điểm mới. Trong đó có một chi tiết rất đáng chú ý là Ủy ban Kiểm tra có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh; khi cần thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng. Điều này là rất cần thiết trong xử lý cán bộ tham nhũng, không để xảy ra hiện tượng bỏ trốn như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy… thời gian qua.
Đảng đã quyết tâm, phất cao ngọn cờ chống “giặc nội xâm” và thể hiện điều đó bằng hành động cụ thể.