"Sa Pa của vùng Đông Bắc"
Du lịch - Ngày đăng : 19:08, 01/06/2018
Bình Liêu cách thành phố Hạ Long khoảng 110km, phía bắc có gần 50km đường biên giới giáp với huyện Ninh Minh, thành phố Sùng Tả và khu Phòng Thành, thành phố Phòng Thành Cảng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), phía Tây giáp huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn), phía Đông - Nam giáp các huyện Hải Hà, Tiên Yên, Đầm Hà của Quảng Ninh.
Mặc dù không có biển xanh, cát trắng như Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô… nhưng Bình Liêu lại mang vẻ đẹp mê hồn của miền sơn cước, với núi non trùng điệp hùng vĩ, các cung đường uốn lượn trong mây xuyên qua những cánh rừng bốn mùa ngạt ngào hương quế, hồi, trẩu, sở cùng những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, những nếp nhà cổ đơn sơ yên bình của đồng bào các dân tộc (90% dân số là đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ, trong đó người Tày chiếm 60%). Cảnh sắc hữu tình, khí hậu ôn hòa và bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng khiến Bình Liêu được ví như “Sa Pa của vùng Đông Bắc”.
Đến Bình Liêu có hai đường. Dân phượt thường đi từ huyện Đình Lập bên Lạng Sơn sang, nhưng trục chính là từ TP Hạ Long đến ngã ba Tiên Yên rẽ trái, đi gần 30km là tới. Những năm trước, đường sá khó khăn, giao thương cách trở nên dù sở hữu nhiều tài nguyên nhưng Bình Liêu vẫn như “cô gái đẹp ngủ quên”. Khoảng chục năm gần đây, hạ tầng giao thông ở Quảng Ninh cũng như ở Bình Liêu nói riêng được đầu tư mạnh, đặc biệt là cửa khẩu Hoành Mô được “nâng cấp” thành Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn đã trở thành đòn bẩy hội nhập kinh tế vùng cao biên giới. Diện mạo kinh tế xã hội ở huyện cực Bắc của Quảng Ninh dần khởi sắc. Cái tên “Bình Liêu” được nhắc đến nhiều hơn trên các diễn đàn du lịch, trở thành một điểm đến ưa thích của các tay máy và cánh “phượt thủ”.
“Săn mây” trên những đỉnh cao ở Bình Liêu như ngọn Cao Xiêm (được xem là “nóc nhà của Quảng Ninh” với độ cao 1.330m so với mực nước biển), Cao Ly (hơn 1.000m), hay núi Cao Ba Lanh cao 1.050m gắn với sự tích “đá thần” nhuốm màu huyền thoại đang được xem là những trải nghiệm du lịch đáng nhớ của nhiều người trẻ. Núi Cao Ba Lanh còn là nơi ghi dấu ấn lịch sử của quân dân Bình Liêu nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc hồi tháng 2-1979. Sau khi cung đường tuần tra biên giới (phía Tây huyện Bình Liêu) hoàn thành, những cột mốc 1.300, 1.302, 1.305, 1.327..., nhất là con đường mòn ngút ngàn cỏ lau giữa lưng chừng trời mệnh danh “sống lưng khủng long”, đã trở thành những điểm check-in không thể bỏ qua của giới phượt thủ.
Đến Bình Liêu thời điểm nào trong năm cũng mang lại cho du khách những cảm nhận mới mẻ, thú vị. Vào mùa xuân, khi hoa trẩu trắng tinh khôi phủ khắp núi rừng, hoa đào hoa mận khoe sắc bên những rẻo đường lên thôn bản thì Bình Liêu cũng vào mùa hội. Lễ hội đình Lục Nà (ngôi đình cổ của người Tày có từ thời hậu Lê, thờ Thành hoàng làng Hoàng Cần - vị anh hùng dân tộc gắn với sự tích “cây tre mọc ngược”) từ ngày 15 đến 17 tháng Giêng âm lịch; hội “Âu pò” (hát sli, then của người Tày) và hội “Soóng cọ” (hát giao duyên của người Sán Chỉ) ngày 16 tháng Ba; ngày “Kiêng gió” của đồng bào Dao (vào ngày 4 tháng Tư hằng năm, người Dao ở Bình Liêu gác mọi công việc lại, dành thời gian cho việc gặp gỡ, giao lưu, ăn uống, múa hát...). Cuối thu là thời điểm “giai nhân” Bình Liêu đặc biệt quyến rũ với lớp lớp ruộng bậc thang nhuộm vàng màu lúa chín và những thảm hoa lau nở trắng núi đồi rập rờn trong gió như mời gọi. Cuối năm, khi hoa sở nở trắng núi rừng là dịp lễ hội hoa sở, lễ hội cơm mới...
Đến Bình Liêu du khách sẽ có cơ hội khám phá thác Khe Vằn (xã Húc Động, cách thị trấn Bình Liêu khoảng 15km về phía đông). Ngọn thác cao hơn 100m với 3 tầng nước đổ trắng xóa, xưa là nơi gặp gỡ, trao duyên của các đôi trai gái Sán Chỉ.
Ngoài ra, những bản làng cổ mang đậm dấu ấn văn hóa - kiến trúc đặc sắc của đồng bào dân tộc cũng không thể thiếu trong hành trình khám phá Bình Liêu, trong đó đáng chú ý là bản Sông Moóc thuộc xã Đồng Văn. Nằm ở “lưng chừng núi lưng chừng đèo” (độ cao hơn 1.000m), khí hậu quanh năm mát mẻ, phong cảnh nguyên sơ cùng những nếp nhà cổ mái lợp ngói âm dương, phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào Dao, bản Sông Moóc đang hứa hẹn trở thành điểm du lịch cộng đồng lý tưởng, hấp dẫn du khách xa gần khi đến với Bình Liêu.