Đa dạng sân chơi cho thiếu nhi

Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 01/06/2018

(HNM) - Để đáp ứng nhu cầu vui chơi, sinh hoạt cho trẻ em trong mùa hè, nhiều nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa tại TP Hồ Chí Minh đã tổ chức các khóa học rèn luyện năng khiếu, trí tuệ, thể chất và các kỹ năng cần thiết phù hợp cho thiếu nhi...

Một lớp học võ tại TP HCM.


Thời điểm này, các nhà thiếu nhi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang tuyển sinh học hè. Các khóa học rất đa dạng với mức phí dao động từ 250.000 đến 1.000.000 đồng mỗi khóa. Trong lĩnh vực thể thao có các lớp như võ thuật, bóng đá, bóng bàn, bóng rổ, thể dục nhịp điệu. Về văn hóa, nghệ thuật có lớp thanh nhạc, đàn organ, guitar, múa hiện đại, hội họa, viết chữ đẹp, làm đồ thủ công. Mùa hè 2018 cũng không thể thiếu các lớp học ngoại ngữ, tin học, lắp ráp robot cho trẻ.

Năm nay, Nhà Thiếu nhi quận 3 (TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức 23 khóa học cho trẻ từ 5 đến 15 tuổi. Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi quận 3 Đỗ Đình Chinh cho biết: Hiện nay, lượng phụ huynh đến tìm hiểu, đăng ký cho con học các khóa năng khiếu đang gia tăng. Mỗi dịp hè, chúng tôi tiếp nhận từ 700 đến 1.000 em. Ngoài các lớp học phổ biến, đơn vị còn mở thêm lớp học đàn tranh, sáo trúc, đàn bầu giúp các em tiếp xúc với âm nhạc truyền thống. Bên cạnh các lớp học thu phí, nơi đây cũng tổ chức nhiều hoạt động miễn phí cho trẻ, điển hình là chiếu phim 3D vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.

Nhà Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh (phường 7, quận 3) cũng đang mở khóa học kỹ năng xã hội cho trẻ ở hai nhóm tuổi khác nhau. Các em từ 6 đến 8 tuổi sẽ được học các chủ đề: Làm chủ bản thân, an toàn khi gặp người lạ, giáo dục giới tính. Ở độ tuổi từ 9 đến 14, các em được học các kỹ năng thoát hiểm, sinh tồn trong thiên tai, giáo dục giới tính và phòng chống xâm hại tình dục.

Mùa hè năm nay, chương trình "Học kỳ quân đội" tiếp tục được Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam tổ chức. Tùy theo độ tuổi đăng ký, Trung tâm sẽ bố trí các chương trình rèn luyện phù hợp. Đơn cử, các em từ 7 đến 11 tuổi có thể tham dự chương trình "Chiến sĩ tí hon", từ 12 tuổi trở lên sẽ được đăng ký "Học kỳ quân đội". Đợt 1 của khóa học "Chiến sĩ tí hon" bắt đầu từ ngày 27-5 đến hết 1-6, hiện có hơn 120 em được phụ huynh đăng ký tham gia. Sau khi triển khai chương trình "Học kỳ quân đội" thành công, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình "Học kỳ công an", "Học kỳ phòng cháy chữa cháy", "Học kỳ biên phòng".

Để có thêm sân chơi văn hóa cho thiếu nhi, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức hội trại "Chắp cánh ước mơ dành cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt", diễn đàn "Lắng nghe tiếng nói trẻ em". Thành đoàn TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi năm 2018. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống và pháp luật; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, rèn luyện thể chất cho trẻ. Bên cạnh đó là tăng cường các hoạt động chăm lo cho thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, con em công nhân, trẻ em tại các xã nông thôn mới. Phó Trưởng ban Thiếu nhi Thành đoàn TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: Thành đoàn sẽ phối hợp cùng Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh tổ chức trại hè Thanh Đa dành cho con em công nhân, lao động. Có tất cả 7 đợt tổ chức trại hè (mỗi đợt kéo dài 5 ngày), khởi động từ ngày 4-6. Chương trình tập trung tổ chức sân chơi kết nối bổ ích cho các em, tổ chức các buổi sinh hoạt kỹ năng, giáo dục các em tính tự lập. Đơn vị cũng sẽ tổ chức 90 buổi chiếu phim lưu động kết hợp dựng sân chơi ngoài trời cho thiếu nhi tại các cụm, điểm sinh hoạt hè.

Song song với hoạt động hè, UBND TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 trên địa bàn thành phố. Tháng hành động diễn ra từ ngày 25-5 đến 30-6 với chủ đề "Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số". Để bảo vệ trẻ em đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi công nghệ và internet, UBND thành phố đã đầu tư ngân sách và nỗ lực đưa ra các giải pháp hữu hiệu. Thời gian tới, thành phố sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm cho lãnh đạo các ngành, các cấp, các tổ chức về cách chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số.

Tuệ Diễm