"Bóc" đường dây làm giả con dấu, tài liệu để vay vốn ngân hàng quy mô lớn
Pháp luật - Ngày đăng : 08:08, 01/06/2018
Tang vật vụ án. Ảnh: TTXVN phát |
Khám xét khẩn cấp đối với hai đối tượng này, Ban chuyên án thu giữ nhiều tang vật liên quan đến việc làm giả con dấu, tài liệu như: Máy in màu; 64 chiếc điện thoại; hơn 400 thẻ sim của các nhà mạng; 37 sổ hộ khẩu bản gốc và hơn 20 hình loại dấu tròn, dấu chức danh, chữ ký của lãnh đạo các công ty được lưu trữ trên máy tính, điện thoại để sử dụng làm giả các hợp đồng lao động của các doanh nghiệp, phục vụ cho làm giả hồ sơ vay vốn; trên 167 triệu đồng.
Ngoài ra, Ban chuyên án còn triệu tập các đối tượng liên quan khác để đấu tranh, làm rõ vụ việc.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Phạm Văn L khai đã cùng Nguyễn Thị T làm giả 24 tài liệu của một trường học và một số khách hàng khác vay 600 triệu đồng trót lọt. Qua đó, L được hưởng 33,2 triệu đồng, T hưởng 25 triệu đồng. Ngoài ra, L còn làm giả 4 hồ sơ của một trường học khác, vay được 400 triệu đồng và được hưởng 60 triệu đồng.
Về quy trình làm giả tài liệu, L khai các tài liệu và mẫu dấu do T cung cấp qua Zalo, sau đó L thuê một đối tượng khác tên M (cơ quan điều tra đang xác minh) làm với giá 700 nghìn đồng/tài liệu (tổng số L đã thuê M trên 16 triệu đồng/24 tài liệu). Các tài liệu sau khi M hoàn thành được chuyển phát nhanh đến cho L.
L còn khai nhận đã hoàn thành việc "cò" cho 200 khách hàng. Trong đó, 70 khách hàng đã được giải ngân tổng số 3 tỷ đồng và L thu lợi trên 300 triệu đồng. Trong số 50/70 hồ sơ này, L làm giả hợp đồng lao động của các công ty bằng cách lấy mẫu hợp đồng, con dấu trên mạng, sau đó sử dụng công nghệ trên máy tính, máy in màu để hoàn thiện.
Một số nhân viên của các ngân hàng liên quan đến các hồ sơ vay vốn trên cũng khai nhận với cơ quan điều tra là đã không thực hiện đúng các quy định, qui trình của ngân hàng trong việc thẩm định các hồ sơ vay vốn tín chấp.
Theo Trung tá Phạm Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng PA84, đối tượng được các tổ chức tín dụng này nhằm vào chủ yếu là những cán bộ, giáo viên đang công tác tại các trường học trên địa bàn thành phố với hạn mức cho vay tương ứng với mức lương hằng tháng.
Các tổ chức tín dụng quảng cáo kêu gọi khách hàng bằng hình thức dán các tờ rơi ở khắp nơi với nội dung "cho vay không cần thế chấp". Sau khi đã có khách hàng liên lạc, đặt vấn đề vay, các đối tượng môi giới tiến hành tiếp xúc, làm hồ sơ.
Với thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt, chúng sử dụng sim điện thoại rác, không cho biết tên và địa chỉ cụ thể, khi làm giả con dấu, hồ sơ; không để lại dấu vết nhằm che giấu tung tích, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra của cơ quan công an.
Xác minh tại 5 tổ chức tín dụng, qua giám định phát hiện 8/87 tài liệu làm giả dấu tròn, chữ ký và dấu chức danh của hiệu trưởng nhà trường.
Nhà trường liên quan đến vụ việc cũng đã xác nhận 32 khách hàng có 44 hồ sơ vay tiền nêu trên không phải là cán bộ, giáo viên nhà trường.
Trung tá Phạm Tiến Dũng cảnh báo người dân cần hết sức cảnh giác khi được mời chào "vay vốn không cần thế chấp tài sản" của các đối tượng môi giới để tránh rủi ro.