Lực đẩy cho “Hành động hướng Đông”
Thế giới - Ngày đăng : 06:36, 01/06/2018
Là quốc gia có nền kinh tế, dân số lớn nhất Đông Nam Á và là thành viên của Nhóm các nền kinh tế phát triển, mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Indonesia được đánh giá có vai trò kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Do đó, trong chặng dừng chân đầu tiên tại thủ đô Jakarta, Thủ tướng N.Modi và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhất trí tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực thông qua việc thiết lập một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mới, để đưa quan hệ song phương bước vào kỷ nguyên mới với chất và lượng mới.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Jakarta. |
Sau Indonesia, nhà lãnh đạo Ấn Độ có chặng dừng chân ngắn ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia và gặp tân Thủ tướng nước chủ nhà Mahathir Mohamad. Giao lưu nhân dân cũng như quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Malaysia được ghi nhận đang trên đà phát triển mạnh mẽ và New Delhi đang thúc đẩy để trở thành một đối tác chiến lược của Malaysia. Điểm đến cuối cùng của Thủ tướng N.Modi là Singapore, với những dự định thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ tài chính, quy hoạch đô thị và trí tuệ nhân tạo.
Trên thực tế, ASEAN rất quan trọng với Ấn Độ trong mối quan hệ về lịch sử, khoảng cách địa lý và không gian chiến lược. Sự gắn bó giữa hai bên được hình thành qua mối giao lưu văn hóa và liên kết văn minh từ hàng nghìn năm trước. Quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN vì thế được đánh giá là "chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh" và New Delhi coi ASEAN là trọng tâm trong chính sách hướng Đông. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động như hiện nay, Ấn Độ đang thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ với các quốc gia Đông Nam Á trên 3 bình diện là kinh tế, ngoại giao và quân sự vì lợi ích chung.
Hội nhập kinh tế sâu hơn với khu vực ASEAN năng động là một khía cạnh quan trọng trong chiến lược của Ấn Độ. Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của nước này, chiếm hơn 10% tổng thương mại của New Delhi. Mặt khác, Ấn Độ cũng là đối tác lớn của ASEAN và thương mại hai chiều hiện đạt khoảng 70 tỷ USD. Việc phát triển quan hệ kinh tế - thương mại với các nước ASEAN giúp Ấn Độ đẩy mạnh hội nhập với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, từ đó duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định. Trong khi về mặt quân sự, Ấn Độ đang cần tìm kiếm đối tác hợp tác mạnh mẽ để mở rộng sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, qua đó thể hiện vai trò trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định khu vực, đồng thời đối phó với các thách thức chung.
Vì vậy, về ngoại giao, Ấn Độ một mặt tăng cường quan hệ với các nước phương Tây, mặt khác chuyển đổi chính sách “Nhìn sang phía Đông” thành “Hành động hướng Đông”, nhấn mạnh đến tính cấp thiết phải triển khai những biện pháp cụ thể để tăng cường phát triển quan hệ với các nước ASEAN. Do đó, chuyến công du của Thủ tướng N.Modi lần này góp phần xây dựng mối quan hệ gần gũi và khăng khít hơn nữa giữa Ấn Độ và 3 nước Đông Nam Á, đồng thời tăng cường kết nối Ấn Độ với ASEAN, nâng quan hệ hai bên lên tầm cao mới.