“Hải âu” Nga Valentina Tereshkova
Hồ sơ - Ngày đăng : 15:29, 01/06/2018
Người phụ nữ đầu tiên chinh phục vũ trụ
Ngày 16-6-1963, tại sân bay vũ trụ Baikonur, con tàu Vostok 6 mang theo nữ phi hành gia 26 tuổi Valentina Tereshkova bay vào không gian. Trước lúc con tàu cất cánh, nhiều người vẫn còn nhớ những cảm xúc mãnh liệt của Tereshkova: “Hỡi bầu trời, hãy ngả mũ!”.
Nữ phi hành gia Valentina Tereshkova. |
Trong sứ mệnh lịch sử này, Tereshkova đã ở một mình trên quỹ đạo 71 giờ với tổng cộng 48 vòng bay quanh trái đất. Nhớ lại những phút giây vinh quang đó, nữ phi hành gia nghẹn ngào: “Tôi hạnh phúc vì số phận đã trao cho tôi niềm vinh dự khó khăn được ở trong số những người đặt nền móng cho con đường đi đến các vì sao”.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện trọng đại này (6-2013), Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tự hào: “Kể từ ngày đó, đã có biết bao thay đổi trên thế giới và ở đất nước chúng ta. Nhưng mãi mãi trong lịch sử nước Nga và toàn bộ ngành vũ trụ, “Hải âu” - tên hiệu của nữ phi hành gia đầu tiên trên thế giới - vang lên từ không gian xa xôi bằng chính giọng nói của người phụ nữ Nga đồng hương của chúng ta - Valentina Vladimirovna Tereshkova!... Không thể đánh giá hết tầm quan trọng của sự kiện này trong lịch sử ngành vũ trụ Nga và thế giới”.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và nữ phi hành gia Valentina Tereshkova. |
Theo Viện sĩ Igor Marinin (Viện Hàn lâm Vũ trụ Nga), dù các chuyến bay đưa người vào vũ trụ đều là kỳ tích nhưng chuyến bay “khai mở” của nữ phi hành gia Tereshkova là cuộc thử nghiệm đặc biệt. Nó sẽ trả lời cho câu hỏi: Cơ thể phụ nữ thích ứng ra sao trong môi trường không trọng lượng? Liệu phụ nữ có thể điều khiển tàu vũ trụ và thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào như nam giới hay không? Và cuộc thử nghiệm đã cho thấy rằng, phái nữ thích ứng với những điều kiện đặc biệt đó một cách rất khó khăn.
Khi tàu Vostok 6 đưa Tereshkova vào không gian, nữ phi hành gia cảm thấy ổn trong ngày đầu tiên nhưng sang ngày thứ hai trông cô khá mệt mỏi. Những người điều hành chuyến bay nói Tereshkova phản ứng chậm hoặc không thể thi hành các mệnh lệnh của họ.
Validimir Yazdovsky, kỹ sư trưởng chương trình không gian Liên Xô viết trong hồi ký: “Cô ấy có vẻ như thờ ơ khi tiếp xúc với trạm kiểm soát mặt đất. Cô ấy rất hạn chế di chuyển và liên tục ngồi trong trạng thái gần như bất động”.
Quả thật, sống 3 ngày trong môi trường không trọng lượng với một phụ nữ trẻ, dù đã trải qua những khóa huấn luyện đặc biệt, là không dễ dàng. Vì thế, mặc dù Liên Xô có những kế hoạch tiếp tục đưa phụ nữ lên vũ trụ nhưng mãi đến năm 1982, người phụ nữ Nga thứ hai Svetlana Savitskaya mới đặt chân lên vũ trụ.
Ý chí lớn từ tuổi thơ nhọc nhằn
Valentina Tereshkova sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở ngôi làng nhỏ bé thuộc tỉnh Yaroslav của nước Nga. Bố cô hy sinh ngoài mặt trận còn mẹ cô một mình nuôi 3 con nhỏ. Vì gia đình khó khăn nên mới 17 tuổi, Tereshkova đã phải đi làm ở một nhà máy dệt để giúp mẹ nuôi em. Cô làm việc và phấn đấu không ngừng, trở thành Bí thư Đoàn Thanh niên nhà máy.
Cuộc sống tuy vất vả nhưng cô gái trẻ vẫn không từ bỏ niềm đam mê đặc biệt của mình là bầu trời. Vào những ngày nghỉ, cô tham dự các buổi tập luyện ở câu lạc bộ hàng không địa phương và thực hiện chuyến nhảy dù đầu tiên năm 22 tuổi.
Sau chuyến bay vào vũ trụ thành công của Yuri Gagarin trên con tàu Vostok 1 (4-1961), Tổng công trình sư của chương trình vũ trụ Liên Xô Sergey Korolev đã nghĩ tới việc đưa phụ nữ lên vũ trụ nhằm quảng bá cho năng lực phát triển khoa học không gian của quốc gia này.
Valentina Tereshkova trò chuyện với Tổng công trình sư Sergey Korolev |
Tháng 2-1962, Valentina Tereshkova được chọn cùng với 400 ứng cử viên khác tham gia sứ mệnh chinh phục không gian. Trải qua nhiều tháng liền luyện tập vất vả, cô lọt vào top 5. Tereshkova nhớ lại: “Nam giới tập luyện đã rất vất vả song nữ giới còn khó khăn hơn nhiều. Thế nhưng ngày đó trong tâm trí chúng tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất là phải nắm thật chắc kiến thức vũ trụ, kỹ thuật điều khiển con tàu và rèn luyện thể lực để đáp ứng cho chuyến bay vào vũ trụ”.
Dưới sự hướng dẫn của Yuri Gagarin, 5 cô gái trẻ phải trải qua những thử thách tập luyện rất ngặt nghèo về thể lực, về tâm lý, điều khiển tàu vũ trụ, nhảy dù, lái máy bay phản lực...
“Chúng tôi đã sống 8 ngày trong sự im lặng tuyệt đối. Buồng tiêu âm nằm ở độ cao 5 km. Các bác sĩ quan sát hành vi của các ứng cử viên để họ không mất trí, không có ảo giác” - Tereshkova kể. Và thời khắc quyết định đã đến. Mọi người đều hồi hộp chờ đợi xem ai sẽ vinh dự trở thành người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ?
Có lẽ cũng tương tự như nam giới, việc lựa chọn gương mặt nữ cho chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ được các nhà lãnh đạo chính trị và khoa học Liên Xô dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó các phẩm chất thể lực và kiến thức kỹ thuật không phải là ưu tiên hàng đầu. Theo họ, người phụ nữ đó phải trở thành gương mặt của quốc gia, đại diện xứng đáng cho đất nước trên vũ đài quốc tế.
Cân nhắc nhiều đến yếu tố này đã khiến sự lựa chọn rơi vào Valentina Tereshkova dù khi ấy cô mới chỉ là vận động viên nhảy dù cấp 1, chưa có bằng đại học, thành tích tập luyện cũng không phải là khá nhất. Ưu điểm lớn của Tereshkova là cô có gương mặt đôn hậu, thuộc thành phần cơ bản, có bản lĩnh của một cán bộ đoàn và khả năng giao tiếp tốt.
Mặt khác, Tổng công trình sư Sergey Korolev đã lập kế hoạch rõ ràng: Trong chuyến bay lần sau, sẽ có nữ phi hành gia đầu tiên rời con tàu, bước vào khoảng không vũ trụ. Theo ông, nhiệm vụ nặng nề và khó khăn ấy chỉ những nữ phi công giàu kinh nghiệm khác trong top 5 như Valentina Ponomarieva (đã tốt nghiệp đại học ngành hàng không, có kinh nghiệm bay) và Irina Solovjova (kiện tướng môn nhảy dù) mới có thể hoàn thành được.
Tổng Bí thư Nikita Khrushchev với các phi hành gia anh hùng trên lễ đài trước Lăng Lenin |
Sau chuyến bay lịch sử, Tereshkova vẫn mơ ước được trở lại vũ trụ bao la. Cô cố gắng tập luyện để được lọt vào danh sách bay nhưng cái chết bất ngờ của Yuri Gagarin năm 1968 đã chấm dứt “sự nghiệp bay” của Tereshkova. Nhà nước đã quyết định phải bảo vệ hình tượng nữ anh hùng chinh phục vũ trụ.
Người phụ nữ nổi tiếng nhất Liên Xô trong thế kỷ XX
Ở tuổi 26, Valentina Tereshkova được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Tên của bà được đặt cho một ngọn núi lửa trên Mặt trăng, một tiểu hành tinh cũng như một loạt các tuyến phố trong và ngoài nước Nga.
Bà tốt nghiệp Học viện Không quân Zhukov năm 1969, bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ (1977) và trở thành Giáo sư tại Học viện Zhukov cho đến khi nghỉ hưu năm 1997. Bà là tác giả của hơn 50 công trình nghiên cứu khoa học.
Tổng thống Putin chào đón Nữ phi hành gia anh hùng. |
Tereshkova cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội. 19 năm liên tục (1968 - 1987) bà là Chủ tịch Hội Phụ nữ Liên Xô, rồi là Chủ tịch Liên hiệp các hội hữu nghị và liên lạc văn hóa với nước ngoài. Từ năm 1994 bà lãnh đạo Trung tâm hợp tác khoa học và văn hóa quốc tế thuộc Chính phủ Nga. Tereshkova còn là một thành viên chủ chốt trong chính phủ Xô viết và là hình ảnh đại diện nổi tiếng của Liên Xô ra nước ngoài.
Gần nửa thế kỷ hoạt động khoa học và vun đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc, bà nhận được nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lenin, Huân chương Cách mạng tháng Mười, Huy chương Hòa bình của Liên hợp quốc… và được phong tặng hàng chục danh hiệu danh dự trong đó có danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam (1971).
Mối tình vũ trụ
Valentina Tereshkova và Andrian Nikolaev tại buổi hôn lễ. |
Gần 5 tháng sau thành công của chuyến bay vào vũ trụ, vào tháng 11-1963, Valentina Tereshkova kết hôn với phi hành gia Andrian Nikolaev. Đích thân Tổng Bí thư Nikita Khruschev làm chủ hôn cùng với sự tham gia của nhiều quan chức nhà nước. Khi đó, người ta đồn rằng, dưới áp lực của vị lãnh tụ, các nhà nghiên cứu y học muốn hai phi hành gia lấy nhau để tiến hành thí nghiệm về quan hệ tình dục trên vũ trụ…
Thật ra, Andrian Nikolaev đã “tán tỉnh” Tereshkova từ trước khi cô bay lên vũ trụ và họ lấy nhau là tự nguyện, không phải do chỉ thị của ai. Tháng 6-1964, họ sinh bé gái Elena. Cô bé khỏe mạnh này được nhiều người quan tâm vì có cả cha lẫn mẹ đều từng bay vào vũ trụ.
Valentina Tereshkova và con gái |
Thế nhưng Tereshkova và Nikolaev có thật sự yêu và gắn bó với nhau không? Không một ai biết rõ trừ những người trong cuộc. Thiếu tướng Không quân Liên Xô Nikolai Kamanin (là bạn thân của cả hai) đã viết trong hồi ký của mình về mối tình vũ trụ này như sau: “Đối với giới chính trị và khoa học - kỹ thuật thì đám cưới của họ là một tin tốt lành. Nhưng riêng cá nhân tôi, tôi không hoàn toàn tin rằng Tereshkova thật sự yêu Nikolaev bởi một lẽ đơn giản là cá tính của họ hoàn toàn trái ngược nhau. Cô ấy thì nóng như lửa còn anh ấy lại lạnh như nước. Cả hai là những người có ý chí mạnh mẽ. Không ai muốn phụ thuộc ai…”.
Nhận xét này có phần đúng bởi trên thực tế, cuộc hôn nhân nổi tiếng này đã đổ vỡ khá lâu trước khi họ chính thức ly dị năm 1982. Tereshkova thường xuyên xa nhà. Cô hay phải ra nước ngoài hoặc đi đến các thành phố trong nước để nói chuyện về cuộc sống và sự nghiệp xây dựng đất nước của người dân Xô viết. Còn Nikolaev lại tích cực tập luyện để chuẩn bị cho những chuyến bay mới vào vũ trụ… Họ cứ xa nhau dần nhưng vì giữa họ có quá nhiều ràng buộc và danh tiếng nên không bỏ nhau dễ dàng được.
Người chồng thứ hai của bà là Giáo sư, Bác sĩ, Thiếu tướng quân y Yuli Shapoznikov. Họ sống với nhau hạnh phúc cho đến khi ông Yuli Shapoznikov mất năm 1999.