Chống ngập tại TP Hồ Chí Minh: Kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ

Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 01/06/2018

(HNM) - Dù mới chỉ trải qua những cơn mưa đầu mùa nhưng TP Hồ Chí Minh đã phải chịu cảnh nhiều lần ngập nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân.

Theo dự báo của các chuyên gia, thành phố sẽ tiếp tục đối diện với tình trạng này trong thời gian tới. Do đó, các cơ quan chức năng liên quan của thành phố đang chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để chống ngập.

Ngập sâu khi mưa lớn


Cơn mưa vào tối 19-5 được xem là lớn nhất từ đầu tháng 5 đến nay, khiến nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh ngập sâu, nhiều người dân phải lội trong nước, dắt xe về nhà lúc hơn 22h. Trong đó, các tuyến đường ngập nặng nhất từ 20 đến 50cm như: Huỳnh Tấn Phát (quận 7); Nguyễn Văn Quá (quận 12); Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm (Bình Thạnh); Phan Huy Ích, Cây Trâm (Gò Vấp); Hồ Học Lãm (Bình Tân)...

Nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh ngập sâu trong nước sau cơn mưa đầu mùa.


Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh (Trung tâm Chống ngập), trận mưa tối 19-5, lưu lượng mưa đạt khoảng 37 đến 120mm, kết hợp với triều cường khiến cho nhiều tuyến đường bị ngập. Cụ thể, trên địa bàn thành phố có 32 tuyến đường ngập với thời gian từ 30 phút đến 3 giờ. Hiện thành phố có 22 tuyến đường thường xuyên ngập và không phát sinh điểm ngập mới.

Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm Chống ngập) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập vẫn diễn ra là do TP Hồ Chí Minh chưa đầu tư xong các công trình chống ngập theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ duyệt. Cụ thể là hệ thống thoát nước thành phố đến năm 2020 (Quy hoạch 752). Hiện hệ thống cống bảo đảm thoát nước chỉ đạt 1.344km, so với yêu cầu chỉ đạt hơn 27% (1.344km/6.000km). Trong khi 4 trục tiêu thoát nước chính (Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi, Tẻ; Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Tân Hóa - Lò Gốm) mới nạo vét, cải tạo hơn 60km, chỉ đạt 1,38% (60km/4.369km) so với khối lượng sông, kênh, rạch hiện có.

Đối với quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP Hồ Chí Minh (Quy hoạch 1547), hiện cũng chỉ hoàn thành 1/10 cống kiểm soát triều và 64km/149km đê bao, đang thi công 6/10 cống kiểm soát triều. Mặt khác, các dự án thuộc 2 quy hoạch trên cũng đang thiếu vốn thực hiện. Cụ thể, để thực hiện hoàn thành cần tổng số vốn đầu tư hơn 96.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn trước năm 2016 đã có 3 dự án triển khai với tổng số vốn gần 23.000 tỷ đồng; còn giai đoạn 2016-2020, hiện thành phố vẫn thiếu hơn 46.500 tỷ đồng để thực hiện...

Chung tay chống ngập

Trước thực trạng trên, nhiều giải pháp được thành phố đưa ra. Để giảm ngập, theo Trung tâm Chống ngập TP Hồ Chí Minh, thời gian tới cần thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình. Theo đó, đối với phi công trình có 4 nhóm giải pháp, trong đó cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đối với công trình, giải pháp ngắn hạn là xử lý cấp bách các điểm ngập quy mô nhỏ, nạo vét thông thoáng dòng chảy tại các cửa xả, kênh, rạch. Về trung hạn, tập trung đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải như: Dự án Quản lý rủi ro ngập TP Hồ Chí Minh; xây dựng cống kiểm soát triều và cống nhỏ dưới đê… Về dài hạn, cần lập bản đồ quy hoạch điều chỉnh lại lưu vực gần 1.000ha khu vực trung tâm và 4 vùng đô thị mới Đông, Tây, Nam, Bắc. Trước mắt, Trung tâm Chống ngập đề nghị các quận, huyện đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để thi công nhanh các dự án giải quyết ngập cho thành phố.

GS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hồ điều tiết là một trong những giải pháp vừa mang tính hiệu quả tức thời, vừa đỡ tốn kém kinh phí. Cụ thể, các hồ này sẽ thu và chứa nước mưa trong trường hợp mưa vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, để chống ngập hiệu quả, thời gian tới thành phố nên triển khai nhiều giải pháp tổng thể như: Đồng bộ hệ thống cống thoát nước, cống kiểm soát triều, đê bao; triển khai nhanh các dự án thuộc quy hoạch thoát nước và thủy lợi; xây dựng bản đồ số về các điểm ngập... Đồng thời, nâng cao trách nhiệm và công tác phối hợp của các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan.

Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh, thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm chống ngập hiệu quả, trong đó có thí điểm ứng dụng thiết bị giám sát cảnh báo ngập lụt bằng công nghệ cảm biến do các kỹ sư trong nước thuộc Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao thành phố chế tạo và sản xuất. Hiện hệ thống cảnh báo ngập này được lắp đặt tại 10 điểm thường xuyên bị ngập ở 8 quận, huyện. Khi có tình trạng ngập lụt do triều cường hoặc mưa, hệ thống này sẽ tự đo mực nước (5 phút/lần) và truyền dữ liệu về máy chủ. Sau khi phân tích dữ liệu, phần mềm quản lý dữ liệu sẽ đưa ra thông tin cảnh báo ngập và lộ trình di chuyển cho người dân trên thiết bị di động. Bên cạnh đó, hiện Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị đã lắp đặt camera ở những tuyến đường thường xuyên bị ngập nặng để theo dõi tình trạng ngập và đưa ra phương án ứng phó.

Mới đây, tại cuộc họp bàn về công tác chống ngập, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến nêu rõ, việc chống ngập cần kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, trọng tâm năm 2018, yêu cầu UBND 24 quận, huyện phải xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm kênh rạch; khơi thông dòng chảy trên địa bàn thành phố.

Gia Bảo