Bảo đảm đồng bộ giữa các luật

Chính trị - Ngày đăng : 06:43, 01/06/2018

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Chiến (Đoàn Hà Nội) đã chia sẻ với báo chí về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).


- Trong 2 phương án cơ quan soạn thảo đưa ra để xử lý toàn diện và hiệu quả tham nhũng, tôi nghiêng về phương án 1 vì phù hợp với quy định khác chuyên ngành, đặc biệt là quy định của pháp luật về hình sự, về xử lý tài sản có nguồn gốc không đúng pháp luật. Trong trường hợp xác định khối tài sản kê khai chưa đầy đủ, chưa rõ nguồn gốc, nếu theo phương án 2 xử phạt vi phạm hành chính thì chưa ổn về pháp luật...


Đại biểu Nguyễn Chiến (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Vietnamplus


- Có ý kiến lo ngại, chỉ dựa vào việc kê khai không đầy đủ sau đó lập tổ kiểm tra và ra xử phạt, liệu có lỏng lẻo?

- Việc đối tượng không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ mà xem xét nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự (như tham ô, tham nhũng) thì cấp thẩm quyền chuyển sang cơ quan chức năng xử lý về mặt hình sự. Nếu tài sản đó là từ thu nhập khác và không phù hợp quy định pháp luật thì xem xét xử lý với biện pháp thuế. Đó cũng là biện pháp hiệu quả đối với những đối tượng kê khai không đầy đủ hoặc rõ ràng.

- Nhiều người băn khoăn nếu chỉ đánh thuế mà không xác minh rõ thì đang vô hình trung hợp pháp hóa khối tài sản đó, quan điểm của đại biểu như thế nào?

- Vấn đề đặt ra đầu tiên là phải xem xét tài sản này có phải là tài sản do tham nhũng, do vi phạm pháp luật mà có hay không; nếu không có yếu tố tham nhũng, vi phạm pháp luật... thì sẽ dùng biện pháp khác như thu thuế. Dự thảo cũng đặt ra biện pháp xử lý vi phạm hành chính nhưng quy trình xử lý đòi hỏi trình tự phức tạp hơn. Do đó quan điểm của tôi nghiêng về phương án 1. Chính phủ, các cơ quan chuyên ngành cũng xem xét biện pháp xử lý theo pháp luật thuế sẽ phù hợp hơn.

- Vậy còn việc đánh thuế 45%?

- Đó cũng là vấn đề cần bàn thêm. Về khâu kỹ thuật phải xử lý thế nào để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật. Ở đây là xung đột giữa định mức của ngành Thuế với quy định cứng 45% của luật này. Chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu thêm để đáp ứng quy định của pháp luật liên quan.

Phương Nhi