Tìm biện pháp ngăn chặn, xử lý tham nhũng
Chính trị - Ngày đăng : 06:52, 01/06/2018
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ. Ảnh: Mạnh Dũng |
Nhiều băn khoăn trong xác định, xử lý tài sản bất minh
Thảo luận tại tổ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre) cho rằng, việc xác định tài sản là bất minh là vấn đề cần hết sức cân nhắc, bởi việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan tố tụng. Phải có bản án của tòa tuyên bố tài sản của một người là bất minh thì mới có thể tịch thu, chứ không thể áp dụng cách thu thuế hay phạt tiền. “Vấn đề này giải quyết không căn cơ thì vô tình sẽ hợp thức hóa cho những tài sản bất minh”, đại biểu Đặng Thuần Phong phân tích.
Liên quan đến việc xác định tài sản bất minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng (Đoàn Sóc Trăng) cho rằng, việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản quá lớn thì sẽ khó xác minh, thẩm tra để bảo đảm tính xác thực của bản kê khai. Thậm chí, nếu không cẩn thận sẽ “kê khai xong cất ngăn kéo”, việc mở rộng đối tượng sẽ không có ý nghĩa. Đại biểu Hoàng Thanh Tùng tán thành việc xử lý nghiêm các tài sản do tham nhũng mà có, song không thể xử lý một cách đơn giản để quy tất cả tài sản kê khai không trung thực hoặc không giải trình hợp lý thành tài sản tham nhũng. “Đối với tài sản bất minh, cần giải quyết hài hòa. Vừa phải xử lý nghiêm, tịch thu toàn bộ tài sản do tham nhũng mà có, nhưng phải thể hiện sự tôn trọng thỏa đáng đối với quyền sở hữu tài sản của công dân”, đại biểu Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến.
Đồng quan điểm này, đại biểu Lê Minh Khái (Tổng Thanh tra Chính phủ - Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, hiện nay, có tài sản hình thành trong điều kiện thực tế của Việt Nam mà chúng ta chưa kiểm soát được đầy đủ cả về thu nhập và chi tiêu trong toàn xã hội. Có rất nhiều trường hợp tài sản là cho, biếu, tặng hay công chức làm thêm… họ có thể kê khai hoặc không kê khai. Khi kê khai và phát hiện có một khoản thu nhập mà công chức kê khai rồi nhưng không chứng minh được nguồn gốc thì loại tài sản này cũng không thể khẳng định là tài sản bất hợp pháp. Vì vậy, phải nghiên cứu loại tài sản này cũng như phải có chế tài xử lý phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành.
Bổ sung quyền giám sát, đấu tranh chống tham nhũng
Cử tri cả nước luôn quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Bá Hoạt |
Đánh giá cao những sửa đổi tích cực của dự án luật tại kỳ họp này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc bổ sung thêm quyền giám sát của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Đại biểu cũng tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật sang khu vực ngoài nhà nước và cho rằng điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay, qua đó góp phần ngăn ngừa tận gốc những hành vi tham nhũng. Theo đại biểu, khu vực tư nhân trong nhiều trường hợp là “sân sau” của tội phạm tham nhũng. “Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp tư nhân nhờ các mối quan hệ cá nhân đã nhận được những dự án trị giá lớn mà các doanh nghiệp khác khó lòng tiếp cận được. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh luật sang khu vực này sẽ hướng tới sự công bằng, minh bạch trong khu vực tư nhân”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu.
Đồng quan điểm này, đại biểu Thuận Hữu (Đoàn Hải Phòng) cho rằng, thực tế cho thấy, “sân sau” của quan chức tại khu vực tư nhân rất nhiều. Nếu không mở rộng thì tâm lý trong người dân chưa yên tâm, nhưng mở rộng thì rất khó cho cơ quan nhà nước. Đơn cử, nếu mở rộng thì Thanh tra Nhà nước kiểm soát thu nhập từ giám đốc sở trở lên, còn dưới nữa thì các cơ quan, bộ, ngành, các tỉnh. Vậy khu vực tư nhân thì do ai kiểm soát, ai quản lý, có kê khai không? Do vậy, cần phải cân nhắc, có giải pháp để bảo đảm tính chặt chẽ của luật.
Đánh giá cao việc dự án luật đã dành hẳn một chương về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc (Đoàn Hà Nội) cho biết, qua tiếp xúc, cử tri bày tỏ mong muốn luật sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu mạnh mẽ, cụ thể hơn và dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã tiếp thu những ý kiến này. Nêu ví dụ về việc triển khai chương trình phòng, chống tham nhũng tại TP Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Hà Nội luôn coi vấn đề này là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, do đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp chỉ đạo, các Phó Bí thư cùng tham gia và hằng tháng đều có giao ban, nêu rõ trách nhiệm của từng đồng chí lãnh đạo cần phải làm gì để đấu tranh phòng, chống tham nhũng. “Người đứng đầu mỗi đơn vị luôn phải ý thức việc phòng rồi mới đến chống tham nhũng, đồng thời phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình”, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc phân tích.
Nêu giải pháp phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho rằng, nỗ lực cải cách hành chính và công khai mọi hoạt động chính là giải pháp tích cực để phòng, chống tham nhũng. “Tại TP Hà Nội, mọi hoạt động của thành phố hay quận, huyện, thị xã đều được đưa lên Cổng thông tin để nhân dân giám sát; qua đó xác định rõ cán bộ có thực hiện đúng công việc hay không cũng như phòng ngừa được sai phạm nảy sinh”, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.
Nhấn mạnh vai trò của MTTQ và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng bày tỏ sự đồng tình khi dự án luật dành một chương mới quy định cụ thể vấn đề này. Thực tiễn tại Hà Nội cho thấy, vai trò của MTTQ và nhân dân vô cùng quan trọng. Bởi khi có MTTQ và người dân tham gia giám sát, các công trình đầu tư từ vốn ngân sách thường có chất lượng rất tốt, qua đó mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và hạn chế sai phạm nảy sinh...
Theo chương trình của kỳ họp, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào ngày 13-6.
Đề nghị bổ sung quy định bơi là môn học bắt buộc (HNM) - Sáng 31-5, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình; báo cáo thẩm tra tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao và thảo luận ở hội trường về dự án luật này. Tại phiên thảo luận hội trường, một số ý kiến đại biểu cho rằng, để khắc phục tình trạng đuối nước của trẻ em, dự thảo cần bổ sung quy định bơi là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa. Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), việc dạy bơi cho học sinh là cần thiết và ai cũng mong muốn, nhưng nếu quy định là môn học bắt buộc thì khó có tính khả thi trong điều kiện hiện nay, nên chăng chỉ quy định mang tính khuyến khích, ưu tiên. Đồng quan điểm, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) cũng cho rằng, với điều kiện hiện nay, nếu quy định môn bơi là bắt buộc sẽ tạo áp lực đầu tư cho nhà trường, và không khéo sẽ tạo gánh nặng cho phụ huynh và học sinh. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, nếu Quốc hội coi đây là vấn đề quan trọng, yêu cầu học sinh khi học xong phải biết bơi thì từ đó mới có quỹ đất để làm bể bơi, có tiền, có kinh phí, có tiết học, có thầy giáo để dạy bơi. “Cả một huyện có thể chỉ cần từ 3 đến 5 hay 7 bể bơi tùy theo dân số. Có môn học, có giờ học thì học sinh sẽ đến đó để tập bơi. Thực tế không có một trường THPT nào mà có bể bơi; ngay cả các nước tiên tiến người ta cũng không xây như vậy. Cho nên, phải có luật mới có cơ chế, biện pháp, kinh phí, quỹ đất để làm bể bơi cũng như để tổ chức các hoạt động thể thao khác, qua đó giúp giáo dục toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho học sinh, cho con người Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến. Hương Ly |