Bài 2: Kết nối những vòng tay tuổi trẻ
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:30, 04/06/2018
Lan tỏa tình yêu biển đảo
Những năm gần đây, thông tin tuyên truyền về tình hình biển đảo quê hương cho thế hệ trẻ là hoạt động thường xuyên của nhiều cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chính vì vậy, số lượng thanh niên kiều bào tham gia hải trình thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm nay cũng tăng lên đáng kể.
Đoàn kiều bào trẻ tại Hàn Quốc lắp đặt tặng đảo Đá Thị máy phát điện năng lượng mặt trời hiệu năng cao. |
Lê Chí Tài, thành viên Ban Chấp hành Hội sinh viên Việt Nam tại Đức tâm sự, trước khi bắt đầu hải trình, em hình dung chuyến công tác này sẽ vất vả, khó khăn, nhiều thử thách. Vậy mà, khi bước chân xuống tàu, mọi lo lắng trong đầu tan biến. Được tận mắt chứng kiến đời sống, công việc của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Tài thấy mình may mắn. Cũng thật bất ngờ bởi trong chuyến đi, Tài được gặp nhiều bạn trẻ cùng lứa tuổi nên dễ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm
Giống như Chí Tài, Cao Sơn Tùng - một nhà thiết kế trẻ đang làm việc cho Trường Đại học Quốc gia Singapore - cũng có ấn tượng sâu sắc về những gì được chứng kiến trong chuyến đi. Sơn Tùng cho biết, em và nhiều bạn trẻ Việt Nam tại Singapore rất quan tâm tới vấn đề biển đảo quê hương, nhưng kiến thức có được chưa thực sự nhiều và sâu.
“Trước chuyến đi, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng đây sẽ là một trải nghiệm hiếm có trong đời. Tuy nhiên, những gì chứng kiến đã để lại cho tôi nhiều suy tư và thấy rằng mình phải làm một điều gì đó cho những người bạn đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa”, Sơn Tùng chia sẻ.
Để lưu lại những khoảnh khắc quý giá với Trường Sa và Nhà giàn DK1, bạn trẻ này đã làm một cuốn nhật ký hải trình với hơn 30 bức vẽ do chính anh ký họa. Sơn Tùng hy vọng đây sẽ là một cách chia sẻ có ý nghĩa về vẻ đẹp của Trường Sa và hình ảnh đáng tự hào của những người lính đang canh giữ biển trời Tổ quốc tới bạn bè ở Singapore và nhiều quốc gia khác.
Từ tình yêu đến hành động
Đối với nhiều bạn trẻ, chính ý chí, nghị lực và sự hy sinh của những cán bộ chiến sĩ là động lực thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của họ với bản thân cũng như đối với đất nước. Vì thế, sau chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, nhiều bạn đã xây dựng những dự án rất có ý nghĩa nhằm chia sẻ khó khăn với các đồng bào nơi hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Trong số đó, không thể không kể đến Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam do nhóm thanh niên Việt Nam tại Hàn Quốc sáng lập. Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Quỹ cho biết, ý tưởng thành lập Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam được đưa ra ngay trong chuyến thăm Trường Sa đầu tiên mà anh và Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Hải Linh cùng một số thành viên khác tham gia năm 2015.
“Khi thắp nén hương tưởng niệm các chiến sĩ đã để lại tuổi xuân trên vùng biển này, tôi đã khóc. Tôi rất tự hào về các anh và cũng cảm thấy xấu hổ vì đôi lúc còn than phiền về những khó khăn dù cuộc sống của mình đầy đủ hơn rất nhiều so với ngoài đảo. Tôi đã tự hứa với mình phải làm nhiều hơn nữa để góp phần nhỏ bé cho đất nước”, Trung Kiên xúc động nói.
Vậy là Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam ra đời. Với những nỗ lực của Ban Chấp hành quỹ, từ khi thành lập vào tháng 8-2015 đến nay, Quỹ đã thu hút kiều bào ở 15 nước tham gia và kêu gọi được hơn 75.000 USD.
Ban Chấp hành Quỹ đưa ra 2 hướng hoạt động cụ thể.
Thứ nhất là tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng các hình thức khác nhau, bao gồm tổ chức các triển lãm tranh, ảnh, tư liệu về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa; Thông tin tất cả các hoạt động của Quỹ cũng như các tư liệu, những bài báo khoa học để chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam lên trang web của Quỹ.
Thứ hai là những dự án hướng ra Trường Sa. Mỗi năm, Quỹ đều có những dự án khác nhau nhằm đưa điện, nước ngọt và rau xanh ra các đảo để cải thiện cuộc sống của anh em cán bộ, chiến sĩ. Đến nay, Quỹ đã đưa ra được 7 giàn năng lượng mặt trời hiệu năng cao cho 6 điểm đảo, cung cấp một số máy phát điện mini, xây dựng sân cầu lông đa năng tại Trường Sa...
Còn với Chí Tài, sau chuyến đi, anh đã ấp ủ nhiều dự định. Trước mắt, bạn trẻ này sẽ cùng các học sinh, sinh viên Việt Nam tại Đức đẩy mạnh tuyên truyền để kiều bào, đặc biệt là những bạn người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài hiểu hơn về chủ quyền biển đảo. Chí Tài và các thành viên Ban Chấp hành Hội sinh viên Việt Nam tại Đức cũng sẽ tăng cường học hỏi thêm kinh nghiệm giữa giới trẻ các nước, kết nối và phối hợp tổ chức các dự án với phạm vi lớn hơn, mang tính bền vững lâu dài cho Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Chí Tài cho biết: “Trước khi ra Trường Sa, Hội sinh viên Việt Nam tại Đức đã đề xuất 3 dự án: Đẩy mạnh phong trào viết về quê hương biển đảo trên phạm vi Châu Âu; Thúc đẩy dự án bảng thông minh và máy lọc nước; Làm lại khu vui chơi cho các bé tại 3 đảo do khu vui chơi có từ năm 2013 đến nay đã cũ và hư hỏng nhiều”.
Có thể thấy, với những chàng trai như Sơn Tùng, Chí Tài, Trung Kiên và nhiều bạn trẻ khác, chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 không chỉ là hoạt động hướng về biển đảo mà còn là hải trình gắn kết giữa các thế hệ người Việt, không phân biệt vùng lãnh thổ, tuổi tác, địa vị nhưng cùng hướng về Tổ quốc với tình yêu và trách nhiệm.
(Còn nữa)