Hội tụ nguồn lực phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 06:56, 04/06/2018
Hướng tới đô thị thông minh
Trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã phải giải quyết bài toán "nén" hay "giãn" trong phát triển đô thị. Và ở thời điểm hiện tại, thành phố đã chọn việc phát triển đô thị theo hướng đa tâm để kéo giãn dân cư, giảm áp lực gia tăng dân số và hạ tầng khu trung tâm. Theo định hướng phát triển đô thị trên cơ sở quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bên cạnh khu trung tâm hiện hữu gồm 13 quận, thành phố sẽ phát triển 4 đô thị vệ tinh theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Theo đó, hướng Đông bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức; hướng Tây gồm quận Bình Tân, một phần quận 8 và một phần huyện Bình Chánh; hướng Nam gồm một phần quận 8, một phần huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè; hướng Bắc gồm quận 12 và huyện Hóc Môn.
TP Hồ Chí Minh cần có quy hoạch xây dựng mang tính kế thừa và thích ứng với những biến đổi trong tương lai. |
Để "mở đường" xây dựng đô thị thông minh, TP Hồ Chí Minh đang quy hoạch để xây dựng khu đô thị sáng tạo ở phía Đông. Theo đó, khu đô thị sáng tạo bao gồm quận 2 với trọng tâm là Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 9 với trọng tâm là khu công nghệ cao, quận Thủ Đức với trọng tâm là Khu đô thị Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, khu đô thị sáng tạo được xây dựng dựa trên nguồn lực sẵn có và tiềm năng của thành phố.
Cụ thể, nguồn lực sẵn có hiện nay là Khu đô thị mới Thủ Thiêm với vai trò là trung tâm tài chính - kinh tế tầm cỡ quốc tế; khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia giữ vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và sản phẩm công nghệ cao. Đối với nguồn lực tiềm năng, hiện khu Đông thành phố là một trong những trung tâm thu hút nguồn vốn đầu tư lớn, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang và sẽ đặt "bản doanh".
Các chuyên gia cho rằng, định hướng quy hoạch trên là phù hợp với đặc điểm phát triển từng khu vực của thành phố, phù hợp với yêu cầu quản lý và nguồn lực của từng địa bàn. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện có hiệu quả cần phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể.
Điều chỉnh để thích ứng với những biến đổi
Trong 25 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có ba quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và điều chỉnh. Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 20-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể xây dựng TP Hồ Chí Minh. Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2020. Đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 24/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 (quy hoạch 2010).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về quy hoạch, quy hoạch 2010 vẫn chưa tính hết tác động của biến đổi khí hậu như triều cường tăng cao bất thường, lượng mưa tăng giảm khó dự báo, xâm nhập mặn tại sông Đồng Nai và sông Sài Gòn ngày càng sâu về phía thượng nguồn.
Bên cạnh đó, quy hoạch 2010 được phê duyệt vào thời điểm Thủ tướng Chính phủ chưa ban hành Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31-12-2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; đồng thời, thành phố chưa có đề án xây dựng đô thị thông minh, chưa có quy hoạch phát triển hệ thống không gian ngầm...
Chính vì vậy, theo các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố là rất cần thiết và cấp bách để phù hợp với quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh phía Nam.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này đã trình UBND thành phố dự thảo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh cho những năm tới. Sau khi được lãnh đạo thành phố thông qua sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Tại cuộc họp về kinh tế - xã hội mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, quy hoạch chung xây dựng thành phố phải có tính hệ thống và đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch chung và quy hoạch ngành. Đây là một trong những trọng tâm cần phải được xử lý trong thời gian tới.
"Quy hoạch chung về xây dựng phải trên cơ sở quy hoạch kinh tế - xã hội. Quy hoạch kinh tế - xã hội của thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, trong khi quy hoạch chung về xây dựng lại được phê duyệt năm 2010 nên cần phải điều chỉnh", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia về quy hoạch, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa phải có tầm nhìn dài hạn, vừa phải tính toán đầy đủ nguồn lực (hiện hữu, tương lai) để triển khai thực hiện. Đặc biệt, trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, cũng như những biến đổi khó lường của khí hậu, quy hoạch phải có tính dự báo, có tính thích ứng với những biến đổi trong tương lai.
Trước mắt, công tác quy hoạch trong thời gian tới phải giải quyết được những vấn đề như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường... từ đó kích thích kinh tế - xã hội phát triển.