Từ kiến nghị của cử tri, phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 67.700 tỷ đồng
Kinh tế - Ngày đăng : 09:00, 04/06/2018
Tại phiên họp Quốc hội sáng 4-6, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo đã nêu tình hình và nội dung kiến nghị của cử tri; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri; tồn tại, hạn chế và kiến nghị.
Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải |
Trong đó, điểm đáng chú ý là, theo đánh giá, công tác giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ, các bộ, ngành đã được 59 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao, tất cả các ý kiến nhận xét đều cho rằng đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về chất lượng giải quyết cũng như nội dung, số lượng các văn bản trả lời, bảo đảm kịp thời, đầy đủ. Nhiều bộ, ngành đã được một số Đoàn ĐBQH khen ngợi, đánh giá cao vì đã rất tích cực giải quyết một số kiến nghị cụ thể của cử tri tại địa phương.
Điểm nhấn trong công tác giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành kỳ này là có đến 83,5% (298/357) các kiến nghị chưa thể giải quyết được ngay đều đã được các bộ, ngành xây dựng lộ trình giải quyết (tăng 4 lần so với kỳ trước) , đây là nỗ lực lớn, đáng ghi nhận, thể hiện tinh thần Chính phủ phục vụ, hành động.
Kết quả giải quyết kiến nghị của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cho thấy, có 1.474 kiến nghị (chiếm 73,96%) được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri; 162 kiến nghị (chiếm 8,13%) đã được tiếp thu, giải quyết xong; còn 357 kiến nghị (chiếm 17,91%) đang được nghiên cứu để giải quyết.
Trong thời gian giữa hai kỳ họp thứ tư và thứ năm, đã có 162 kiến nghị của cử tri được nhiều bộ, ngành tích cực xem xét, giải quyết. Nhiều đợt thanh tra, kiểm tra để xử lý một số vi phạm theo kiến nghị, phản ánh của cử tri đã được thực hiện.
Trong đó, tiếp thu kiến nghị của cử tri Vĩnh Long, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đồng Tháp,... cần đặc biệt quan tâm tới công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực hay xảy ra sai phạm, tham nhũng, lãng phí như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp, thanh tra các bộ, ngành đã tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản... tại nhiều cơ quan, đơn vị, tỉnh, thành phố.
Cụ thể, trong năm 2017, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.539 cuộc thanh tra hành chính và 237.284 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế 67.754 tỷ đồng, 17.586 ha đất; đã kiến nghị thu hồi 43.321 tỷ đồng, 4.941 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 24.253 tỷ đồng, 12.645 ha đất; ban hành 148.026 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền 2.924 tỷ đồng; đặc biệt đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng... tăng hơn hai lần so với năm trước.
Theo kiến nghị của cử tri Ninh Thuận, Đắk Lắk,... phản ánh việc khai thác rừng trái phép vẫn diễn ra nhiều nhưng chưa được xử lý có hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc khai thác rừng, đã phát hiện 16.531 vụ vi phạm, giảm 4.933 vụ (23%) so với cùng kỳ năm 2016; diện tích rừng thiệt hại là 4.451 ha, giảm 3.148 ha (68%) so với cùng kỳ năm 2016; xử phạt hành chính 12.896 vụ, xử lý hình sự 292 vụ, giảm cả về quy mô và số lượng vụ việc vi phạm.
Từ kiến nghị của cử tri Đắk Nông, Long An, Bến Tre, An Giang... về công tác quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, tăng cường thanh tra, kiểm tra để hạn chế nạn khai thác cát trái phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó, hơn 3.000 buổi kiểm tra khai thác cát lậu, đã xử phạt vi phạm hành chính 2.000 trường hợp.
Theo kiến nghị của cử tri Đắk Lắk về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực y, dược, Bộ Y tế đã tiến hành 15 đoàn thanh tra đối với 59 cơ sở, trong đó có 15 cơ quan quản lý nhà nước; 12 cơ sở khám, chữa bệnh và 32 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 11 cơ sở, với tổng số tiền là 241 triệu đồng.
Theo kiến nghị của cử tri Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình... về chấn chỉnh tình hình lạm thu trong các trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các đoàn kiểm tra tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; đồng thời, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập 139 đoàn thanh tra, kiểm tra về thu chi đầu năm học 2017 - 2018 tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo và cơ sở giáo dục...