Chi phí làm đường ở Việt Nam đắt do giải phóng mặt bằng
Kinh tế - Ngày đăng : 12:01, 04/06/2018
Bộ trưởng Bộ GT-VT trả lời chất vấn. (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Trả lời chất vấn của đại biểu Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre) về việc làm đường ở Việt Nam đắt, công nghệ kỹ thuật như nhau nhưng ở Việt Nam chi phí tới 700 tỷ đồng - 1.000 tỷ đồng/km trong khi nước khác chỉ có vài trăm tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết, dư luận cho rằng đầu tư giao thông ở Việt Nam chi phí đắt, tuổi thọ kém, không đảm bảo so với mặt bằng trong khu vực. Việc này Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Bộ Xây dựng, Bộ GT-VT cung cấp thông tin liên quan đến suất đầu tư của đường bộ ở Việt Nam và các nước trong khu vực.
Theo người đứng đầu ngành Giao thông, xây dựng đường phụ thuộc vào nền móng. “Nếu nền móng yếu như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung thì phải xử lý đất yếu. Lớp đất này dày nên việc xử lý tốn kém”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Hơn nữa, muốn dùng đất tốt làm nền đường phải vận chuyển từ nơi khác đến. Tất cả các khoản chi phí này sẽ khác nhau với từng địa phương, từng nước. Đặc biệt, việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, ở một số nước, chi phí giải phóng mặt bằng thấp nhưng ở Việt Nam lại cao.
"Nếu nói chi phí làm giao thông cho 1 km tốn 700 tỷ đồng - 1.000 tỷ đồng cũng đúng nhưng chỉ đúng với mốt số đoạn chứ không phải tất cả, bởi có những đoạn làm giá rất thấp. Giá cao hay thấp tùy địa chất, địa hình và giải phóng mặt bằng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GT-VT cho hay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng chủ trì cùng Bộ GT-VT sẽ tiến hành thi công một số đoạn đường cao tốc thuần túy công nghệ mới. Hiện Bộ Xây dựng đã xây dựng đề cương, báo cáo Chính phủ. Sắp tới, việc xây dựng này sẽ triển khai một vài đoạn ở phía Bắc, miền Trung và phía Nam. Các chi phí sẽ được giám sát chặt chẽ để có được suất đầu tư đại diện cho khu vực.
Với chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) về việc thu phí không dừng tại các trạm BOT nhằm minh bạch hơn, Bộ trưởng Bộ GT-VT cho hay, đến cuối 2018, toàn bộ dự án BOT trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải hoàn thành thu phí tự động; toàn bộ trạm BOT trên các tuyến đường còn lại phải hoàn thành cuối năm 2019.
Hiện nay Bộ GT-VT đang triển khai quyết liệt. Bộ xem việc thu phí tự động không dừng là giải pháp công khai minh bạch tốt nhất.