Niềm tin lớn mở rộng con đường hợp tác bền lâu

Đối ngoại - Ngày đăng : 06:28, 04/06/2018

(HNM) - Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản từ ngày 29-5 đến 2-6 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, tình hữu nghị được thiết lập nhiều năm qua được thể hiện qua cách đón tiếp hết sức trọng thị của Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN


Những tình cảm nồng ấm chưa từng có

Ngay khi chuyên cơ đáp xuống Sân bay quốc tế Haneda ở Tokyo, 21 loạt đại bác chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang, phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã cho thấy sự tiếp đón nồng hậu đặc biệt của phía Nhật Bản. Từ sân bay, Chủ tịch nước đến thẳng tỉnh Gunma và thăm Nhà máy Maebashi của Công ty Koganei Seiki.

Về phía bạn, đây cũng là một động thái thể hiện sự tin cậy cao, bởi nhà máy của Công ty Koganei Seiki vốn rất ít cho người nước ngoài được tham quan. Từ nhà máy này sẽ xuất đi những chi tiết kim loại vô cùng tinh xảo, độ chính xác gần như tuyệt đối, để lắp ráp nên những động cơ, chi tiết máy móc quan trọng như: Máy bay phản lực, xe đặc chủng hay những chiếc xe đua công thức 1 (F1)...

Ngạc nhiên hơn khi tại nhà máy có tiếng này có gần 40 kỹ sư Việt Nam làm việc. Sự tương đồng về văn hóa có thể giúp những người lao động Việt Nam dễ hòa nhập với cuộc sống cộng đồng ở Gunma, nhưng chỉ có tay nghề cao, kỷ luật nghiêm như người Nhật Bản mới có thể giúp họ trụ được ở Koganei Seiki.

Và thực tế có nhiều kỹ sư Việt Nam đã làm việc ở đây hàng chục năm. Họ được đãi ngộ hoàn toàn tương tự như những kỹ sư người Nhật Bản. Điều đó được Thống đốc tỉnh Gunma và Chủ tịch Công ty Koganei Seiki khẳng định trước Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Sự tin cậy của chính quyền và lãnh đạo công ty còn thể hiện qua cam kết sẵn sàng đón nhận những kỹ sư giỏi của Việt Nam tham gia vào dây chuyền sản xuất.

Song, biểu hiện rõ nhất trong quan hệ đối tác mà phía bạn dành cho Việt Nam qua chuyến đi này chính là việc cử hành nghi lễ trang trọng nhất của Hoàng gia đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Nhà vua Nhật Bản chỉ tiếp đón các nguyên thủ quốc gia không quá 2 lần trong 1 năm, đương nhiên mỗi lần đều được tổ chức với những nghi lễ rất trang trọng.

Với lễ đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang, bên cạnh những lễ nghi không thể thiếu, có thể cảm nhận được sự thân tình, tin tưởng, trọng thị từ phía Hoàng gia dành cho lãnh đạo Việt Nam. Đó là khi Nhà vua và Hoàng hậu ra sát cửa ô tô để đón Chủ tịch nước cùng phu nhân, rồi sát vai nhau bước trên thảm đỏ ra sân Hoàng cung - nơi cử hành buổi lễ. Lễ đón còn có sự tham gia của Hoàng thái tử, Công nương, Thủ tướng Shinzo Abe và phu nhân, cùng đông đảo thành viên Hoàng gia và toàn bộ nội các Nhật Bản.

Không khí tin cậy, gần gũi và đầy tình hữu nghị còn có thể nhận thấy qua những nghi lễ rất trọng thị khác mà Hoàng gia, Chính phủ Nhật Bản dành cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang, phu nhân và Đoàn đại biểu Việt Nam như tại buổi Quốc yến Nhà vua chiêu đãi Chủ tịch nước.

Đặc biệt là việc Nhà vua và Hoàng hậu cùng các thành viên Hoàng gia, Chính phủ tham dự tiệc chiêu đãi chính thức kỷ niệm 45 năm Thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hình ảnh này được các nhà ngoại giao hai bên cho rằng "chưa từng có"! Trong buổi chiêu đãi này, tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Thái Bảo với bản nhạc Nhật Bản "Ánh trăng thành cổ" (Kyjono Tsuky) là biểu tượng sinh động về sự gần gũi giữa hai nền văn hóa...

Gần gũi hơn nữa là việc Nhà vua và Hoàng hậu đã đến tận Nhà khách Quốc gia để chào từ biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang, phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam... Vượt trên nghi lễ ngoại giao, những cử chỉ đó cho thấy sự quan tâm, tin cậy đặc biệt mà phía Nhật Bản dành cho Việt Nam.

Mở rộng quan hệ trên nhiều lĩnh vực

Có thể nhận thấy, hiếm chuyến thăm cấp Nhà nước nào của Chủ tịch nước mà chương trình hoạt động lại phong phú như chuyến thăm tới Nhật Bản lần này. Rõ ràng, bên cạnh ý nghĩa kỷ niệm 45 năm Thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên còn muốn dấu mốc đó có giá trị thiết thực hơn khi sẽ mở ra những triển vọng mới, toàn diện hơn, hiệu quả hơn, trên nhiều lĩnh vực.

Các hoạt động bên lề trong chương trình chuyến thăm của Chủ tịch nước, nhiều cuộc gặp giữa lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hai bên diễn ra liên tục trong ít ngày, thậm chí có những cuộc gặp diễn ra ngay trong giờ nghỉ trưa, giờ ăn tối. Nhóm phóng viên Việt Nam tháp tùng Đoàn Việt Nam đôi lúc không thể theo hết hoạt động của các thành viên trong đoàn, mà hoạt động nào cũng rất ý nghĩa.

Chẳng hạn, ngay sau lễ đón chính thức, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có buổi ăn trưa và làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc làm việc với Phòng Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (JCCI). Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm việc với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng có nhiều cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản để thảo luận về những thách thức an ninh phi truyền thống...

Trong chuyến tháp tùng Chủ tịch nước, được sự phân công, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng có đến 6 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ các cơ quan, đối tác phía bạn để tìm kiếm những cơ hội hợp tác trên những lĩnh vực mà Hà Nội đang rất cần.

Bước đầu có thể nhận định, những cuộc gặp gỡ, làm việc đó đã mở ra những cơ hội mới, rất rõ nét cho hai bên trên con đường phát triển trong giai đoạn tới. Kết quả của những cuộc gặp thượng đỉnh hay những cuộc gặp bên lề chuyến thăm là hai bên đã ký kết và trao đổi 4 văn kiện hợp tác giữa bộ, ngành hai nước trong các lĩnh vực môi trường, xây dựng, đào tạo; 17 giấy phép đầu tư và văn kiện hợp tác giữa doanh nghiệp và địa phương hai nước, trong các lĩnh vực hàng không, bán lẻ, nông nghiệp, công nghệ thông tin, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, trị giá gần 2 tỷ USD... Ý nghĩa hơn, hai bên đã bày tỏ niềm tin chính trị và ủng hộ nhau trên các vấn đề quốc tế, khu vực. Đó chính là kết quả có được từ sự tin tưởng sâu sắc giữa những đối tác, những người bạn...

Như Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá, vượt qua bao thăng trầm của lịch sử, hai bên đã nỗ lực cùng nhau đưa quan hệ phát triển mạnh mẽ, thực chất trên mọi lĩnh vực. Ngày nay, hai nước Việt Nam - Nhật Bản không chỉ là đối tác chiến lược sâu rộng mà đã thực sự là những người bạn chân thành, chia ngọt, sẻ bùi, và thấu hiểu.

Niềm tin to lớn đang mở rộng con đường hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Chặng đường 45 năm qua của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản chắc chắn sẽ được nối tiếp bởi sự gắn bó ngày càng bền chặt giữa hai dân tộc và sẽ tiếp tục đơm hoa, kết trái. 

Thành Tâm