Tên lửa thế hệ mới có thể tự đốt cháy để vươn ra vũ trụ
Công nghệ - Ngày đăng : 13:29, 05/06/2018
Phần tên lửa đẩy có thể tự đốt cháy để sinh động lực và giảm trọng lượng là thay đổi mang tính đột phá. |
Tuy vậy, cuộc đua vào không gian lại chưa bao giờ nóng như hiện nay, với ngày càng nhiều các đơn vị thể hiện tham vọng khám phá vũ trụ. Điều này cũng góp phần đem tới nhiều phát kiến mới chưa từng có.
Mới đây, Trường Đại học Glasgow (Scotland) và Trường Đại học quốc gia Oles Honchar Dnipro (Ukraine) cho biết, đang phát triển động cơ tên lửa mới mang tên autophage, với hứa hẹn tạo ra sự đột phá lớn trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ. Theo ý tưởng đưa ra, các kĩ sư sẽ thay thế bình nhiên liệu truyền thống của tên lửa bằng một khối trụ cấu thành từ nhiên liệu plastic rắn bên ngoài và vật liệu oxy hóa bên trong. Khi tên lửa vận hành, trụ này sẽ được đẩy dần vào khoang đốt, kích cháy và tạo ra sức đẩy. Hệ thống điều khiển sẽ tùy chỉnh tốc độ đẩy trụ vào khoang đốt nhằm tăng giảm sức đẩy cho tên lửa tùy theo tình huống cụ thể.
Như thế, về cơ bản, thiết kế mới này đã biến toàn bộ phần khoang nhiên liệu phụ cồng kềnh và nặng nề thành một khối nhiên liệu khổng lồ để tự đốt cháy sinh lực đẩy, đồng thời giảm trọng lượng dần theo thời gian. Các nhà chế tạo hoàn toàn có thể tùy biến kích thước tên lửa đẩy một cách linh hoạt, tùy thuộc vào trọng lượng tải cần đưa lên vũ trụ. Hiện tại, những thử nghiệm thực tế tại phòng thí nghiệm cho thấy tên lửa đẩy kiểu mới đã có thể tự cháy trong 60 giây.
Ông Patrick Harkness, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Glasgow cho biết, việc phát triển mới chỉ ở bước đầu, nhưng rất thuận lợi nhờ hạ tầng thử nghiệm động cơ tên lửa tại phòng thí nghiệm Dnipro. Bước tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ tìm cách tích hợp tên lửa đẩy mới này vào một hệ thống phóng hoàn chỉnh.