Giao lưu trực tuyến “Để cuộc sống thêm tươi đẹp”

Đời sống - Ngày đăng : 13:33, 05/06/2018

(HNMO) - Bắt đầu từ 14h00 chiều 5-6, Báo Hànộimới phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Để cuộc sống thêm tươi đẹp”.

15:59 05/06/2018

Ban tổ chức tặng hoa chúc mừng các gương "người tốt, việc tốt", kết thúc giao lưu trực tuyến "Để cuộc sống thêm tươi đẹp":


15:40 05/06/2018

Phát biểu bế mạc, Phó Tổng biên tập Báo Hànộimới Lê Hoàng Anh cho biết, qua gần 2 giờ giao lưu trực tuyến với chủ đề “Để cuộc sống thêm tươi đẹp” với hàng chục ý kiến hỏi, đáp và phát biểu từ các khách mời, lãnh đạo các đơn vị tham gia giao lưu đã cho thấy những tấm gương người tốt, việc tốt nhận được sự quan tâm, trân trọng rất lớn của cộng đồng và bạn đọc. Buổi giao lưu được thực hiện trực tuyến trên Báo Hànộimới Điện tử, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

Tại buổi giao lưu, thông qua hệ thống trực tuyến Báo Hànộimới Điện tử, Ban tổ chức đã nhận được khoảng 400 câu hỏi của bạn đọc từ khắp cả nước gửi về. Tuy nhiên, vì thời gian có hạn nên Ban tổ chức chưa thể thực hiện được hết các câu hỏi của bạn đọc trong buổi giao lưu. Báo Hànộimới sẽ tiếp tục nhận và chuyển các câu hỏi đến các khách mời để trả lời bạn đọc.

“Trong buổi giao lưu hôm nay, 8 khách mời của chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp hay, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, ý nghĩa để cuộc sống thật sự thêm tươi đẹp. Hy vọng rằng, sau buổi giao lưu này, chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục làm thêm nhiều việc tốt, để việc tốt tiếp tục sinh ra việc tốt, từ đó cái xấu bị đẩy lùi”, ông Lê Hoàng Anh nhấn mạnh.

Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới gửi lời cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành của thành phố, cảm ơn các khách mời đã có mặt tham dự buổi giao lưu và trả lời các câu hỏi trực tuyến của bạn đọc. 

15:35 05/06/2018

Trong số 8 tấm gương người tốt, việc tốt có mặt tại cuộc giao lưu trực tuyến "Để cuộc sống thêm tươi đẹp" hôm nay có 3 tấm gương đã được UBND Ttành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Nhân dịp này, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng thành phố quyết định khen thêm 5 cá nhân nữa, và sẽ tổ chức trao Bằng khen ngay tại cuộc giao lưu này. Đó là:

Bà Hoa Mai Hiền,
Bí thư Chi bộ số 21, Tổ trưởng tổ dân phố 61 phường Láng Hạ, quận Đống Đa.

Bà Nguyễn Thị Thi, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Nghĩa Hào, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ.

Anh Trần Anh Hào, nông dân xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì.

Chị Hoàng Hồng Hà, điều dưỡng viên khoa Ung bướu – Xạ trị, Bệnh viện Hữu nghị.


Chị Phạm Ngọc Hiệp, giáo viên trường THCS Vân Hà, huyện Đông Anh.

Trao Bằng khen cho 5 cá nhân.

15:34 05/06/2018

Câu hỏi gửi tới ông Đinh Việt Thắng, Phó Trưởng ban Thi đua khen thưởng thành phố Hà Nội:
"Qua theo dõi phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn TP Hà Nội, ông đánh giá như thế nào về việc triển khai, thực hiện các phòng trào thi đua cũng như công tác phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến?"
(Bạn đọc Hằng Nga ở chung cư Hồng Hà, quận Hoàng Mai)

Ông Đinh Việt Thắng: Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã tích cực đi đầu, là một trong những cái nôi của các phong trào thi đua. Trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta đã có những phong trào hết sức ý nghĩa như “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Em yêu đường sắt quê em”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”...

Cùng với những phong trào đã trở thành truyền thống, trong giai đoạn hiện nay, Thủ đô Hà Nội có những phong trào rất nổi bật và mang tính xuyên suốt như “Người tốt việc tốt”, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo thủ đô”... Thành phố cũng tổ chức cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt và xuất bản sách “Những bông hoa đẹp”.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm tới công tác thi đua, khen thưởng, tiếp tục tổ chức các diễn đàn nhằm tuyên truyền, tôn vinh những gương người tốt, việc tốt. Các cơ quan báo chí sẽ làm phong phú hơn các chuyên trang, chuyên mục để biểu dương các gương người tốt, việc tốt trong cuộc sống hàng ngày.

Ông Đinh Việt Thắng.

15:30 05/06/2018

"Để những mô hình kinh tế xanh ở khu vực miền núi phát triển và có sức lan tỏa sâu rộng hơn, theo anh cần có những hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cụ thể gì từ phía các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương?"
(Bạn Lê Thanh Hà ở phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng)

Anh Trần Anh Hào: Ngoài sự hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật hay hỗ trợ đầu ra của sản phẩm,  yêu cầu lớn hơn là để người dân yên tâm sản xuất là các cơ quan chức năng hỗ trợ về pháp nhân để có thể đầu tư lâu dài, bền vững.

Có một thực tế hiện nay ở Hà Nội, là rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố phần lớn chưa được giao đất gắn với giao rừng, rừng chưa có chủ thực sự. Gia đình tôi đã gắn bó với rừng từ mấy chục năm nay, nhưng không hề được giao quyền sử dụng đất, do đó khi muốn phát triển kinh tế rừng, thiếu vốn, không có cơ sở nào để vay vốn ngân hàng.

Mặt khác, vì không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp nên muốn mua lại diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng được giao khoán của các hộ khác đều không có cơ sở pháp lý, thành ra mình bỏ tiền ra thật nhưng cũng không được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận.

Tôi nghĩ quản lý đất rừng, đất lâm nghiệp hiệu quả cần có chủ rừng thực sự, chủ rừng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng đất, trên cơ sở đó, chủ rừng nào vi phạm để xảy ra cháy rừng, sử dụng sai mục đích có thể bị truy tố trước pháp luật. Đó là mới cách quản lý, giữ rừng hiệu quả nhất.

15:28 05/06/2018

"Với những nỗ lực không ngừng qua hơn 20 năm gắn bó với vùng đất trống đồi núi trọc của xã Khánh Thượng, anh đã gặt hái được những thành công như thế nào?"
(Câu hỏi từ địa chỉ honghanh79@gmail.com)

Anh Trần Anh Hào: Thực tế, tôi đã gắn bó với nghề trồng rừng được gần 30 năm nay, thành công không phải ít. Nhưng điều thành công đầu tiên phải kể đến là cuộc sống đã được cải thiện rất nhiều so với cảnh nhà nông trước đây. Hơn nữa, tôi còn có thể khuyến khích được nhiều bà con xung quanh tận dụng đất trồng cây có hiệu quả hơn. 

15:22 05/06/2018

Một tấm gương nữa là anh Trần Anh Hào, chủ nhân của “miệt vườn” với những đồi bưởi, đồi cam, đồi bơ… trên đất Mường Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội.

“Sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất Khánh Thượng đầy gian khó, điều gì đã thôi thúc và tạo động lực cho anh làm được thành công những việc khó như thời gian qua?”

(Bạn đọc Lê Xuân Quỳnh ở huyện Phú Xuyên)


Anh Trần Anh Hào:
Tôi nghĩ truyền thống gia đình, tình yêu của gia đình với những cánh rừng là động lực lớn nhất để tôi lựa chọn việc gắn bó với rừng. Điều nữa là gia đình tôi đông người nhưng rất đoàn kết. Bản thân bố tôi vốn là một thầy giáo, bằng tình yêu với thiên nhiên, ông cũng là một trong những người trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc có tiếng trong vùng. Ông đã dạy cho các con mọi việc dù nhỏ nhất để khi trưởng thành, chúng tôi coi đây là một nghề để mưu sinh. Vì đơn giản, làm giàu được, sống được từ quê hương khó khăn của mình là điều hạnh phúc nhất.

Anh Trần Anh Hào.

15:20 05/06/2018

Ban Giám hiệu nhà trường đánh giá thế nào về sáng kiến này của cô giáo? Và theo chị, cần những yếu tố nào để đẩy lùi tình trạng đuối nước ở trẻ em?
(Bạn đọc Trương Quỳnh Anh, quận Hoàn Kiếm)

Chị Phạm Ngọc Hiệp: Ban Giám hiệu Nhà trường cũng đánh giá cao sáng kiến này và tạo điều kiện để tôi trình chiếu video trong những tiết giáo dục kỹ năng sống, góp phần nâng cao ý thức, nhận thức của các em học sinh. Sáng chế của tôi đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen và nhà trường nơi tôi công tác ghi nhận, ủng hộ.

Tôi thật sự mong muốn làm sao để các em học sinh hiểu được điều mấu chốt là luôn phải cẩn thận khi đi bơi. Các bậc phụ huynh cũng nên chủ động cho các con học bơi và kỹ năng xử lý các tình huống nguy cấp để không còn sự cố đáng tiếc xảy ra. Điều quan trọng nữa luôn cần là có sự chung tay phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để đẩy lùi tình trạng đuối nước ở trẻ em.

15:19 05/06/2018

"Cô giáo có thể kể rõ hơn về những chiếc áo phao tự chế này không? Nó có dễ làm và sử dụng với học sinh không?"
(Bạn đọc ở địa chỉ email hatrang@gmai.com)

Chị Phạm Ngọc Hiệp: Tôi đã chế tạo ra ba loại: áo phao khẩn cấp, áo phao quần tất và áo phao nilon. Tôi thử nghiệm và cả ba loại áo phao tự chế đều thành công, có tác dụng nổi trên mặt nước. Ba loại áo phao này đều có cách làm rất đơn giản, dễ kiếm trong gia đình như chiếc quần dài, quần tất... ít thao tác. Em học sinh nào cũng có thể tự làm được trong thời gian từ 1 - 2 phút. Sau khi đã thử nghiệm thành công, tôi chia sẻ sáng kiến của mình với mọi người xung quanh, nhất là học sinh của mình, được các em hào hứng đón nhận.

Ngoài ra, để phổ biến rộng rãi sáng kiến của mình đến với các em học sinh một cách nhanh và dễ hiểu nhất, tôi đã tự quay video hướng dẫn từng thao tác, thực hiện từng loại áo phao, rồi lồng ghép tích hợp với các bài giảng trên lớp, nhằm giúp học sinh có thể tự tạo ra những sản phẩm tương tự. Ngoài giờ dạy trên lớp, tôi còn hướng dẫn các phụ huynh và các bạn nhỏ xung quanh tôi sống cách làm áo phao tự chế, chia sẻ video trên mạng xã hội để những chiếc áo phao tự chế có thể phổ biến rộng rãi, giúp phụ huynh tiết kiệm chi phí, học sinh có áo phao bơi an toàn và tiếp tục chia sẻ với nhiều người khác.

15:18 05/06/2018

Một tấm gương khá đặc biệt mà Báo Hànộimới muốn giới thiệu với độc giả là cô giáo Phạm Ngọc Hiệp, giáo viên trường THCS Vân Hà, huyện Đông Anh. Dù còn rất trẻ (sinh năm 1994), nhưng chị Hiệp luôn trăn trở trước suy nghĩ làm sao để hạn chế tình trạng đuối nước của học sinh. Tuy dạy môn sinh học, nhưng chị Hiệp đã dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nguyên lý, vật liệu của những kiểu áo phao thông thường, để từ đó tự chế áo phao dựa trên nguyên tắc vật lý, sử dụng những vật dụng có sẵn trong mỗi gia đình, giúp học sinh của mình hạn chế tình trạng đuối nước.


"Được biết cô giáo đã mày mò tự chế áo phao từ các vật dụng đơn giản trong nhà, giúp học sinh của mình hạn chế tình trạng đuối nước. Sáng kiến này đã được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh đánh giá cao và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen cho sản phẩm sáng tạo năm 2017. Cô có thể chia sẻ xuất phát từ đâu mà cô có ý tưởng này?"
(Bạn đọc Trần Quang Khánh ở huyện Sóc Sơn)

Chị Phạm Ngọc Hiệp: Ý tưởng làm áo phao của tôi xuất phát từ thực tế tình trạng trẻ em bị đuối nước ngày càng nhiều, đặc biệt là trong dịp hè. Khu vực Đông Anh là một nơi có rất nhiều sông, hồ, ao, suối, trong khi đó, các em học sinh còn nhỏ tuổi nên không ý thức được sự nguy hiểm hoặc nhiều gia đình còn nghèo nên không có điều kiện để trang bị áo phao khiến cho nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Xuất phát từ ý nghĩ đó nên tôi đã chế tạo ra những chiếc áo phao từ vật dụng trong gia đình. 

Chị Phạm Ngọc Hiệp.

Nhóm PV HNMO