Hà Nội: Đề xuất đào hầm thoát nước nhân tạo cho 4 điểm ngập cố hữu
Đời sống - Ngày đăng : 16:19, 05/06/2018
Cuối tháng 7, đầu tháng 8 Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ giải quyết được thêm 3 điểm úng ngập. |
Hà Nội còn 15 điểm úng ngập
Theo ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội được chia thành các khu vực thoát nước chính sau: Khu vực sông Tô Lịch có diện tích khoảng 77,5 km2; khu vực Tả Nhuệ có diện tích khoảng 58 km2; khu vực Hữu Nhuệ - quận Hà Đông có diện tích khoảng 52 km2; khu vực Hà Đông có diện tích khoảng 47 km2; khu vực Long Biên có diện tích khoảng 62 km2.
Hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội được giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện công tác vận hành, duy tu, duy trì. Theo báo cáo, qua thực tế trên các tuyến phố khu vực nội thành tồn tại 18 điểm úng ngập cục bộ kéo dài từ 1-2 giờ, ngoài ra còn một số tồn tại các điểm úng ngập khác trên một số tuyến thuộc thị trấn các huyện và trong các ngõ.
Năm 2017, Công ty Thoát nước Hà Nội đã giải quyết triệt để được 3/18 điểm úng ngập tồn tại lâu năm trên địa bàn Hà Nội như: Ngã ba Phan Đình Giót - Quang Trung; đường Yên Nghĩa; đường Cổ Linh. Như vậy, đến đầu năm 2018, các tuyến phố chính của Hà Nội còn tồn tại 15 điểm úng ngập.
Trả lời báo chí về hướng giải quyết 15 điểm úng ngập này, ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, đến cuối tháng 7-2018, trong 15 điểm úng ngập cố hữu, Công ty sẽ giải quyết dứt điểm được 3 điểm là Phan Văn Trường, Nguyễn Chính, Bến xe phía Nam.
Sau đó, sẽ có 8 điểm được giải quyết sau khi các dự án xây dựng tại những điểm này hoàn thành, đó là: Đội Cấn, Thụy Khuê, Tôn Thất Tùng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoa Bằng, đường Ngọc Lâm, Minh Khai.
Ông Võ Tiến Hùng trả lời các câu hỏi của báo chí. |
Sau khi 8 điểm ngập úng này được xử lý, Hà Nội sẽ còn lại 4 điểm cố hữu hiện còn nằm ở vùng trũng là: Đường Thành, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt. Hiện nay, Công ty Thoát nước Hà Nội đang trình UBND TP Hà Nội thực hiện dự án đào hầm thoát nước nhân tạo với mức kinh phí dự tính khoảng 25 tỉ đồng/công trình.
Khi dự án này thực hiện, những điểm úng ngập này có thể được giải quyết, bên cạnh đó công ty áp dụng cả biện pháp điều tiết bằng hệ thống bơm tự động. Lượng nước được chứa tại hầm sẽ được dùng cho tưới cây, cứu hỏa.
Các dự án thoát nước “dài hơi” cho Hà Nội
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2018 sẽ có nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, ảnh hưởng đến Việt Nam và thủ đô Hà Nội. Dự kiến, lượng mưa năm 2018 sẽ vượt trung bình nhiều năm và lượng mưa trong các tháng cao điểm có xu hướng tăng dần từ 5-10%.
Bên cạnh các phương án thoát nước của Công ty Thoát nước Hà Nội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội cũng thực hiện 2 dự án thoát nước trên địa bàn thành phố.
Đầu tiên là dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội thuộc lưu vực sống Tô Lịch với diện tích 77,5 km2. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án, dự án cải tạo sông Tô Lịch được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là thực hiện nạo vét, kè sông được bàn giao vào năm 2015; giai đoạn 2 thực hiện cải tạo cảnh quan hai bên bờ sông, đã được bàn giao năm 2017.
Trong tương lai, Ban Quản lý sẽ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, trong đó có hệ thống cống bao để vận chuyển nước thải xử lý trước khi đưa ra môi trường.
Dự án Hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 7-2016. Ngày 27-9-2016, HĐND TP Hà Nội có văn bản số 390/HĐND-KTNS thống nhất về sự cần thiết triển khai dự án. Ngày 15-12-2016, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định đề xuất dự án được sử dụng vốn vay ODA.
Theo quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, lưu vực thoát nước mưa tả sông Nhuệ có diện tích khoảng 9.800 ha bao gồm 6 tiểu vực: Nam Thăng Long, Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Mễ Trì, Ba Xã và Tả Thanh Oai.
Hiện trạng hệ thống thoát nước những khu vực này chủ yếu là hệ thống kênh, mương tưới tiêu nông nghiệp cũ, chưa có các công trình đầu mối về thoát nước và không đáp ứng được yêu cầu thoát nước của khu vực dẫn đến tình trạng ngập úng nghiêm trọng.
Do vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa đô thị đồng bộ bao gồm hệ thống kênh, mương, kết nối các hồ điều hòa để thực hiện việc bơm cưỡng bức nước mưa ra sông Nhuệ nhằm giảm thiếu úng ngập vào mùa mưa, lũ là cần thiết và cấp bách.