Xe quá tải "tàn phá" các tuyến đê: Xử lý ngay, không thể chần chừ!

Giao thông - Ngày đăng : 07:08, 05/06/2018

(HNM) - Xe quá tải hoành hành,


Bài đầu: Oằn mình “cõng” xe quá tải

Mùa mưa bão đã đến, nhưng hầu hết các tuyến đê trên địa bàn Hà Nội đang phải oằn mình “cõng” hàng trăm lượt xe chở hàng vượt quá giới hạn tải trọng cho phép lưu thông trên đê (xe quá tải). Vấn nạn này đe dọa đến sự an toàn của các tuyến đê, gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân sống gần đê.


Xe quá tải chạy trên đê hữu Hồng qua địa phận thị trấn Phú Minh (Phú Xuyên) làm nát mặt đê.


Xe quá tải “phá nát” mặt đê

Ghi nhận của phóng viên từ ngày 30-5 đến hết 1-6 tại các tuyến đê tả, hữu Hồng qua địa phận Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Mê Linh, Đông Anh; đê tả, hữu Đáy qua địa phận Thanh Oai, Phúc Thọ, Hoài Đức… cho thấy có quá nhiều xe quá tải chở hàng (chủ yếu là vật liệu xây dựng, đất) ngang nhiên hoạt động, thậm chí đỗ hàng dài trên mặt đê.

Tại đê hữu Hồng, đoạn qua địa phận xã Khai Thái (Phú Xuyên) có cắm một số biển tải trọng 12 tấn, nhưng thực tế, các xe tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng vẫn băng băng đi lại trên đường. Tại điếm canh đê số 110, trong khoảng 20 phút, phóng viên đếm được trên 10 lượt xe ô tô quá tải chở vật liệu xây dựng chạy qua. Mặc dù mặt đường đê đã vỡ nham nhở với những rãnh hở rộng đến 15-20cm, nhiều “ổ gà”, “ổ trâu” ở giữa đường và hai bên lề đường, nhưng hầu hết các xe tải này đều chạy với tốc độ 60-70km/h, khiến bụi bay mù mịt, gây mất an toàn giao thông.

Xe quá tải hoạt động nhiều nhất là ở đoạn đê hữu Hồng qua địa phận xã Hồng Thái, Văn Nhân, thị trấn Phú Minh (Phú Xuyên); xã Vạn Điểm, Thống Nhất, Hồng Vân, Ninh Sở (Thường Tín). Theo phản ánh của người dân xã Hồng Thái, sở dĩ mặt đê hư hỏng nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân như hiện nay là do hằng ngày, hằng giờ, tuyến đê phải oằn mình “cõng” hàng trăm lượt xe chở vật liệu xây dựng quá trọng tải cho phép qua lại. Có thể nói, đoạn đê đối diện cổng làng Duyên Trang, hay dốc xuống làng Duyên Yết (xã Hồng Thái), đoạn ngã ba giao cắt giữa Tỉnh lộ 419 với đê hữu Hồng thuộc địa phận thị trấn Phú Minh bị hư hỏng nặng nhất. Tại đây, mặt đê vỡ nham nhở, lồi lõm. Ngày mưa, cả đoạn đường luôn trong tình trạng bùn đất nhão nhoét, còn ngày nắng thì bụi mù mịt mỗi khi ô tô, xe máy chạy qua.

Tương tự, cũng tại tuyến đê hữu Hồng qua địa phận các quận, huyện, thị xã như: Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì, tình trạng xe quá tải chạy trên đê diễn ra khá phổ biến, gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là làm hư hỏng nghiêm trọng mặt đê. Cuối giờ sáng 31-5, tại tuyến đê tả Đáy kết hợp đường giao thông qua địa phận huyện Thanh Oai (K40+700 - K43+700), phóng viên ghi nhận được rất nhiều xe quá tải chạy qua. Điều đáng nói, vi phạm diễn ra trong giờ hành chính với số lượng lớn nhưng lạ một điều là không thấy bất cứ bóng dáng của lực lượng chức năng nào tuần tra, kiểm soát, xử lý (!?)

Nhiều cái khó


Mặc dù hoạt động của xe quá tải diễn ra khá phổ biến trên các tuyến đê, nhưng theo thống kê của Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, tính từ ngày 1-1-2018 đến 29-5-2018, lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải mới chỉ kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 114 trường hợp, phạt tiền trên 400 triệu đồng, tạm giữ 2 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 19 trường hợp.

Lý giải điều này, ông Lê Xuân Tiến, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, mặc dù lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) thường quyên phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý xe quá tải, siêu trường, siêu trọng đi trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn Hà Nội nói chung và đi trên đê nói riêng, nhưng quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn. Bởi, một số chủ xe sử dụng đội ngũ “cò” để đối phó với lực lượng chức năng. Cụ thể là dừng hoạt động khi thấy có lực lượng tuần tra, kiểm soát và hoạt động trở lại khi vắng bóng lực lượng chức năng, nhiều nhất phải kể đến các tuyến đê Phù Đổng; Vàng; tả, hữu Hồng; tả Đáy...

Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận lái xe khi tham gia giao thông còn hạn chế; một số lái xe, chủ xe khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm thường không hợp tác hoặc cá biệt có những trường hợp chống đối như khóa cửa xe, không xuất trình giấy tờ, đe dọa lực lượng chức năng... Bên cạnh đó, việc nhiều tuyến đê như hữu Hồng đoạn qua địa phận huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên; đê Tiên Tân, tả Đáy qua huyện Đan Phượng, Thanh Oai còn thiếu, chưa đồng bộ biển báo hạn chế tải trọng... cũng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. (Còn nữa)

Thành phố Hà Nội hiện có tổng số 626,124km đê được phân cấp, trong đó:37,709km đê hữu Hồng (đoạn địa phận Hà Nội cũ) là đê cấp đặc biệt; 249,189km đê cấp I (gồm đê tả, hữu Hồng; tả, hữu Đuống; tả Đáy I; đê Vân Cốc); 334,226km đê cấp II, III, IV, V. Ngoài ra, Hà Nội còn có 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài 132,84km chưa được phân cấp.

Thu Hằng