Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sẽ tính thuế lũy tiến với các hoạt động mua bán đất

Kinh tế - Ngày đăng : 10:47, 05/06/2018

(HNMO) - Sáng 5-6, tiếp phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, các đại biểu đặt nhiều câu hỏi thẳng thắn về các vấn đề quản lý đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, đầu tư đất tại các đặc khu.

Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn.


Chưa mạnh dạn phân cấp quản lý cho địa phương

Làm rõ ý kiến của đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) từ phiên chất vấn trước về chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất xen kẽ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cho biết, đất xen kẽ có nguồn gốc đất nông nghiệp trong đô thị, hiện nay theo pháp luật chưa có điều chỉnh xử lý.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ TN-MT với những mảnh đất lớn đủ để làm các công trình, dự án phúc lợi công cộng thì sẽ sử dụng cho mục đích công. Với những mảnh đất có thể phát triển kinh tế, có thể cho phép UBND các địa phương đấu giá đất để tạo nguồn vốn cho địa phương. Với những mảnh đất nhỏ, không làm được các công trình công cộng và địa phương không có nhu cầu sử dụng thì hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng, từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi về việc quy hoạch và sử dụng đất 5 năm ở cấp tỉnh, việc giao đất sử dụng lúa từ 10ha trở lên phải trình Thủ tướng để có văn bản chấp thuận đã tạo ra không ít bất cập, tạo ra cơ chế xin - cho, Bộ TN-MT có giải pháp gì để tháo gỡ thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho dự án đầu tư?

Các đại biểu Quốc hội lắng nghe phần trả lời của Bộ trưởng Bộ TN-MT.


Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay trong quy hoạch đất đai cấp tỉnh, cấp huyện đã xây dựng kế hoạch sử dụng đất đai cấp xã. Nếu địa phương làm tốt đúng như quy hoạch thì mọi sự chuyển đổi lớn hơn 10ha có thể ủy quyền cho cấp địa phương.

Tuy nhiên, việc ủy quyền này còn phải dựa vào năng lực quản lý của địa phương. Hiện nay, Chính phủ đã ủy quyền cho TP Hồ Chí Minh thực hiện việc này bởi đây là địa phương có năng lực và có nhu cầu sử dụng đất rõ ràng.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tại các địa phương cất cập tồn tại lớn nhất hiện nay của quy hoạch đất đai là chưa xác định được chủ thể, kế hoạch sử dụng đất chưa sát với thực tiễn. Hơn nữa, việc cải cách thủ tục hành chính còn là vấn đề xem xét hỗ trợ giải phóng mặt bằng bởi thực tế khâu này chiếm tới 85% thời gian.

Trước câu trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Trần Văn Tiến tranh luận lại cho rằng, Bộ trưởng vẫn chưa mạnh dạn phân cấp, chưa tin tưởng vào cấp dưới. Theo đại biểu này, khi đã phân cấp xuống địa phương, ai làm sai người đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tiếp thu ý kiến này của đại biểu.

Xử lý nghiêm việc đầu cơ đất

Liên quan đến vấn đề đang được dư luận quan tâm thời gian gần đây là hoạt động mua bán đất tại các khu đặc khu, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đặt câu hỏi về tình trạng mua bán đất tại các đặc khu có yếu tố nước ngoài đã gây xáo trộn trên thị trường, Bộ trưởng Bộ TN-MT có biết?

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đồng Nai) cũng chất vấn về việc đền bù đất đai phát sinh nhiều khiếu kiện. Chưa kể có những trường hợp nhiều tỉ phú đất đai “đầu cơ” mua bán đã đẩy giá gây sốt đất, giá ảo, Bộ TN-MT có giải pháp gì để giải quyết tận gốc vấn đề này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay có 5 phương pháp định giá đất đai, trên thế giới đã áp dụng nhưng ở Việt Nam khó thực hiện được vì việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất sử dụng gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đất đai ở 3 khu đặc khu vừa rồi là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trong đó có những giao dịch ngầm khiến giá đất bị đội lên. Đối với những giao dịch này khi phát hiện sẽ bị xử lý.

Thời gian tới, Bộ TN-MT đang tính toán đến việc, một người sẽ được mua bao nhiêu đất, nếu mua nhiều sẽ tính lũy tiến vào thuế đất. Việc định giá đất sao cho hợp lý, sát với thị trường để người dân không bị thiệt thòi cũng sẽ được Bộ TN-MT tính toán lại. Điều này sẽ được sửa đổi trong Luật Đất đai sắp tới.

Trước vấn đề đất hoang hóa đang diễn ra, trong đó có Hà Nội, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng trước thực trạng một số dự án đất lấn chiếm, tái lấn chiếm kéo dài và chuyển đổi sai mục đích sử dụng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trước Luật Đất đai 2013 vẫn còn nhiều dự án treo ở các đô thị lớn. Nguyên nhân là thời điểm này chưa có quy định về năng lực của nhà đầu tư. Đến Luật Đất đai 2013 có quy định rõ năng lực của nhà đầu tư, nếu quá 24 tháng mà doanh nghiệp không có hoạt động gì thì sẽ bị thu hồi đất.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, thực tế việc này cũng đang gặp khó khăn vì có sự không thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư. Nhiều nhà thầu đã cho thế chấp ngân hàng quỹ đất nên khi không đủ năng lực thực hiện dự án đã bị ngân hàng thu hồi. Bộ TN-MT tán thành Luật Đầu tư cho phép Ngân hàng sau khi thu hồi đất có thể tiếp tục đầu tư hoặc có thể định giá đất và bán theo đúng giá thị trường.

Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) về việc xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp quản lý đất đai có lợi ích nhóm, làm thất thoát tài nguyên, biến đất công thành đất tư, Bộ trưởng Bộ TN-MT thẳng thắn nhìn nhận, việc quản lý đất đai không chặt chẽ, sử dụng không đúng mục đích là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị, trong đó có cả trách nhiệm của Bộ TN-MT.

Việc để doanh nghiệp chuyển đổi sai mục đích sử dụng đã gây thất thoát lớn cho nhà nước. Nguyên nhân này là do trong quá trình cổ phần hóa, địa phương chưa rà soát, đánh giá để biết doanh nghiệp cần bao nhiêu quỹ đất là đủ; không làm tốt công tác quản lý đất. Điều này cho thấy năng lực kém của cơ quan quản lý, tư vấn kém khi để doanh nghiệp hoạt động sai không đúng mục đích.

Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng đề nghị các địa phương cần phải tính toán lại quỹ đất một cách chặt chẽ hơn nữa trong quản lý và cần có định giá đất cụ thể sát với thị trường tránh giá ảo gây thất thoát lớn.

Hoàng Lân