Nhân lên những giá trị tốt đẹp

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:10, 06/06/2018

(HNM) - Thực hiện “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, liên tục trong nhiều năm qua, Thủ đô Hà Nội đã quan tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Hà Nội cùng cả nước đã có những phong trào hết sức ý nghĩa như “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Em yêu đường sắt quê em”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”…


Trong giai đoạn hiện nay, Thủ đô Hà Nội có những phong trào rất nổi bật và mang tính xuyên suốt như “Người tốt, việc tốt”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”... Trong đó, phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" đến nay đã tròn 26 năm tiến hành nhằm phát hiện, cổ vũ, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, góp phần tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng danh “Thành phố vì hòa bình”.

Gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô, nhiều năm qua, Báo Hànộimới cũng đã đi đầu hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước bằng việc mở các chuyên mục: “Người Thủ đô ta”, “Nét đẹp Người Thủ đô”, "Làm theo Bác", “Phóng sự”, “Vì Hà Nội Xanh - Sạch - Đẹp”... tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Trong bối cảnh cả nước và thành phố đang đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, Báo Hànộimới, Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến “Để cuộc sống thêm tươi đẹp” đã góp thêm những nhành hoa đẹp vào vườn hoa người tốt, việc tốt đa sắc màu của Thủ đô, góp phần lan tỏa những hành động đẹp trong cộng đồng. 8 tấm gương người tốt, việc tốt tham gia buổi tọa đàm trực tuyến là một phần của vườn hoa đẹp đang hàng ngày tỏa hương với những việc làm hết sức bình dị giữa đời thường.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những mặt tích cực là không ít tác động xấu và nhân rộng cái tốt đời thường, đẩy lùi, bài trừ cái xấu càng có ý nghĩa.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy, việc thi đua phải làm thường xuyên, bền bỉ, bắt đầu từ những việc làm nhỏ, gắn với công việc hằng ngày của mỗi người. Do đó việc cần làm trước tiên là các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, trọng tâm là phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Tiếp tục nhân rộng các phong trào thi đua cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Mỗi cán bộ, đảng viên của Thủ đô, nhất là người đứng đầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, phải phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân dẫn đầu trong các phong trào thi đua.

Cũng cần đẩy mạnh thực hiện hiệu quả hơn nữa cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Toàn dân cùng Nhà nước tích cực chăm lo xây dựng công trình phúc lợi xã hội, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”, tổ chức thực hiện tốt các phong trào “Xã hội hóa giáo dục”, “Khuyến học”, chăm lo hiệu quả “sự nghiệp trồng người”, thực hiện tốt phong trào “Xã hội hóa về y tế, văn hóa, thể dục - thể thao”, phong trào “Xanh - sạch - đẹp”, bảo vệ tốt môi trường sinh thái.

Song song với phát triển kinh tế, các cấp, ngành phải hết sức coi trọng nhân tố con người, xây dựng con người mới có đủ năng lực và bản lĩnh phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, sẵn sàng hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc văn hóa Thủ đô và đất nước.

Thế Đan