Đổi mới giáo dục không thể nóng vội!
Giáo dục - Ngày đăng : 10:57, 06/06/2018
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn các đại biểu. |
Sáng 6-6, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn bước sang ngày làm việc cuối cùng. Nhóm vấn đề chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ gồm thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là mầm non ngoài công lập; giải pháp khắc phục thực trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Đổi mới giáo dục không thể nóng vội!
Trả lời chất vấn của đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) với câu hỏi mất bao lâu để đi hết con đường quá độ trong đổi mới nền giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Đổi mới giáo dục không thể nóng vội mà cần có sự quá độ. Quá độ là cần thiết chứ không phải cứ thấy bí, thấy vướng là làm ngay".
Với câu hỏi của đại biểu Vân rằng, "chúng ta đã đi đến đâu trên con đường đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục?", Bộ trưởng cho biết, đổi mới giáo dục là vấn đề nhạy cảm nên phải có lộ trình, có bước đi. Như việc đổi mới trong thi THPT và đại học, từ 2 kỳ thi trong một năm, gây nhiều sức ép và tốn kém, nay học sinh chỉ trải qua một kỳ thi với 2 mục đích, và hiện nay đã ổn dịnh, được nhân dân và cử tri cơ bản đồng tình. Bộ GD-ĐT sẽ giữ ổn định kỳ thi và tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa tốt hơn, và đổi mới phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
"Trong lúc chờ đợi chương trình mới, Bộ đã chỉ đạo các địa phương quyết liệt đổi mới dần để chương trình hiện hành giảm tải hơn, chuyển từ đào tạo nội dung sang phát triển phẩm chất năng lực. Đây là quá trình tuy không phải 'sốc' nhưng vô cùng gian lao" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu.
Cũng trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Vân, Bộ trưởng cho biết thêm, trong nhiệm kỳ của ông, nếu kết luận làm được gì thì chưa đủ căn cứ, nhưng Bộ trưởng tin tưởng, trong từng mốc thời gian sẽ có kết quả cụ thể, rõ nét. Đó là sẽ ban hành xong chương trình, sách giáo khoa mới, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục; đại học có hướng đột phá về tự chủ, năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng...
Sửa xong 2 luật, sẽ đi được 1/2 chặng đường đổi mới
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ thêm các vấn đề đại biểu nêu. |
Cuối phiên chất vấn, làm rõ thêm nội dung đại biểu Hồ Thị Vân nêu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phụ trách lĩnh vực GD-ĐT, chia sẻ, Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chia làm nhiều đầu mục, gồm đổi mới hệ thống; đổi mới khung trình độ; đổi mới chương trình sách giáo khoa; đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với giáo viên; đổi mới kiểm định đánh giá thi cử; đổi mới cơ sở vật chất; đổi mới quản lý nhà nước và quản trị các cơ sở giáo dục.
"Đến nay chúng ta đã ban hành khung hệ thống, khung trình độ, đang xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới; đổi mới một bước kiểm định, tự chủ đại học và đang chuẩn bị sửa 2 Luật Giáo dục và Giáo dục đại học. Sau khi sửa được 2 luật này cùng với hệ thống các luật khác thì công cuộc đổi mới đã đi được 1/2 chặng đường" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Đối với việc sửa đổi 2 Luật Giáo dục và Giáo dục đại học, theo Phó Thủ tướng, đây là thời cơ để khắc phục bằng được điểm yếu cố hữu của ngành Giáo dục nước ta, đó là trong giáo dục phổ thông, đào tạo nặng về nhồi nhét kiến thức và không khuyến khích sáng tạo cá nhân của cả học sinh và giáo viên. Hệ thống học không liên thông, không học suốt đời, dẫn đến tình trạng cố chạy theo bằng cấp. Các cơ sở giáo dục nặng về chỉ đạo hành chính, không khuyến khích tự chủ ở bậc đại học, quản lý phổ thông nặng về mệnh lệnh hành chính.