Có thể tính toán được các nguồn để cải cách tiền lương

Đời sống - Ngày đăng : 17:21, 06/06/2018

(HNMO) - Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nêu Chính phủ đã 3 lần

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa).


"Cải cách tiền lương có làm tăng trần nợ công không và giải pháp để kiềm chế chỉ số giá sinh hoạt khi tăng tiền lương" - đại biểu hỏi thêm 2 vấn đề.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, dư luận phấn khởi khi Hội nghị Trung ương 7 đã ban hành Nghị quyết về cải cách tiền lương nhưng dư luận đặt ra các vấn đề tăng lương thế nào, lấy nguồn đâu ra để tăng lương và có ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô hay không? Ban chỉ đạo Đề án cũng như Chính phủ đã có tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng khi trình Bộ Chính trị và Trung ương thảo luận và quyết định. Để thực hiện được cải cách tiền lương, nhất là tăng lương, mặc dù tăng lương không phải là toàn bộ nội dung của cải cách tiền lương nhưng là vấn đề cốt lõi mà nhiều người quan tâm.

"Chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có một giải pháp tiền đề và hai giải pháp mang tính đột phá" - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Giải pháp tiền đề là phải xác định được vị trí việc làm để thiết kế hệ thống chính sách tiền lương trên cơ sở vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

Hai giải pháp mang tính đột phá là quyết liệt tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Giải pháp đột phá nữa về tài chính, trong đó căn cơ nhất là phát triển sản xuất để tăng thu; quyết liệt triệt để chống thất thu ngân sách và triệt để tiết kiệm chi tiêu, tiết kiệm 10% kinh phí thường xuyên để lấy nguồn cải cách tiền lương.

Một nguồn nữa là tăng thu ngân sách địa phương. Trước đây 50% được để lại đầu tư, 50% để cải cách tiền lương, thì nay, với quan điểm đầu tư cho con người cũng là đầu tư cho phát triển, Trung ương đã quyết định 70% tăng thu từ ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương.

"Trước đây không có chuyện dành vượt thu của ngân sách Trung ương để làm cải cách tiền lương nhưng Nghị quyết lần này quyết định vượt thu của ngân sách Trung ương dành tối thiểu 40% để cải cách tiền lương. Do đó, chúng ta có thể tính toán được các nguồn để cải cách tiền lương" - Phó Thủ tướng khẳng định. Sau này, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan sẽ có tính toán cụ thể.

Trong quá trình cân đối, Chính phủ cũng đã tính toán phương án trả lương nhưng bảo đảm trần nợ công là 65%; tính đến bội chi ngân sách, tính đến đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông; bảo đảm tỷ lệ đầu tư cho xây dựng cơ bản là 26%, đồng thời vẫn kiểm soát được chỉ số lạm phát.

Ngoài ra, nếu tăng lương gắn với tăng năng suất lao động và hiệu suất của bộ máy nhà nước thì tác động đến CPI là không lớn. Việc thực hiện các biện pháp đồng bộ, theo Phó Thủ tướng, sẽ đáp ứng được yêu cầu về trả lương, cải cách tiền lương bảo đảm ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội).


Cũng tại phiên chất vấn dành cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chiều 6-6, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đặt vấn đề: "Thời gian tới có thể tăng tuổi nghỉ hưu và liệu tăng tuổi nghỉ hưu có làm giảm cơ hội việc làm của giới trẻ hay không?".

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng nêu, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề nhạy cảm, tác động đến hàng chục triệu người. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy điều chỉnh phải có lộ trình chặt chẽ.

Ở Việt Nam, tăng tuổi nghỉ hưu phải dựa vào tổng thể nhiều yếu tố như tăng trưởng kinh tế, giải quyết bài toán việc làm và thất nghiệp liên quan cơ cấu ngành nghề, già hóa dân số; bảo đảm cân đối dài hạn quỹ bảo hiểm xã hội.

Trên tinh thần đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương quyết định: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung...”. Sau này, mức độ điều chỉnh cụ thể thế nào sẽ được Quốc hội quyết định.

Bảo Hân