Nhọc nhằn việc phổ cập bơi cho học sinh

Giáo dục - Ngày đăng : 06:52, 07/06/2018

(HNM) - Việc thực hiện chủ trương phổ cập bơi cho học sinh tiểu học đã được khởi động trong ngành Giáo dục từ năm 2010, song, đến nay kết quả vẫn còn hạn chế.


Việc không của riêng ngành Giáo dục

Cứ vào dịp hè, đề tài về dạy trẻ học bơi trở nên "nóng" hơn sau những ca tai nạn đuối nước. Mới đây nhất, ngày 2-6, tại quận Thanh Xuân đã xảy ra một vụ tai nạn đuối nước khiến bé trai tử vong. Việc tổ chức cho học sinh học bơi ở đâu, học như thế nào đang là mối quan tâm của nhiều gia đình, cũng là đề tài làm nóng nghị trường Quốc hội trong những ngày qua.

Dạy trẻ tập bơi tại phường Quán Thánh (quận Ba Đình). Ảnh: Thái Hiền


Thế nhưng, nếu chỉ là câu chuyện để bàn mà không có giải pháp cụ thể, thiết thực thì chắc hẳn chủ đề này sẽ chưa bớt “nguội” mỗi khi vào hè. Từ năm 2010, chủ trương tổ chức cho học sinh học bơi đã được ngành Giáo dục khởi động tại văn bản 664/BGDĐT-CTHSSV với yêu cầu các tỉnh, thành phố phải thí điểm tổ chức mô hình dạy bơi cho học sinh - chậm nhất là vào năm học 2014-2015; trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc dạy bơi cho học sinh tiểu học...

Từ đó tới nay, cứ vào dịp học sinh chuẩn bị nghỉ hè, ngành Giáo dục các cấp lại có văn bản nhắc nhở cơ sở giáo dục về việc trên, song chỉ dừng ở mức lưu ý, khuyến cáo. Tại văn bản do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa ký ngày 4-4-2018, ngoài nội dung nhắc nhở về tuyên truyền, giáo dục như mọi năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các nhà trường yêu cầu giáo viên phải dành từ 3 đến 5 phút các tiết học cuối trước khi tan học để nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không được chơi đùa gần ao, hồ, hố công trình hoặc rủ nhau đi bơi khi không có người lớn đi cùng...

"Vấn đề cốt lõi là học sinh học bơi ở đâu, kinh phí như thế nào... lại không được đề cập. Trong khi nhiều trường học còn không có đủ chỗ học cho học sinh, việc có được một tấm vé bơi trong hè cho con trẻ là điều không đơn giản. Rõ ràng, đây không phải là việc của riêng ngành Giáo dục..." - ông Lê Anh Tuấn (phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm) nói.

Ba Vì là huyện tiềm ẩn nguy cơ đuối nước đối với học sinh do có nhiều sông, suối. Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Tôn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, do không có kinh phí nên không có trường học nào trên địa bàn xây dựng được bể bơi. Việc dạy bơi cho học sinh phụ thuộc vào sự hỗ trợ của một số đơn vị quân đội có bể bơi trên địa bàn, nên số học sinh được học rất ít.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện muốn lắp đặt bể bơi thông minh tại một số trường nhưng là việc không dễ bởi hầu hết gia đình học sinh đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Do đó, trước mắt, việc dạy bơi cho học sinh chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của UBND huyện Ba Vì.

Cần sự chung tay

Đề cập đến chủ trương phổ cập bơi cho học sinh, ý kiến của đại diện lãnh đạo các quận, huyện, thị xã đều bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở trước câu hỏi “tiền đâu?”.

Giờ học bơi của học sinh tiểu học (quận Hà Đông). Ảnh: Thái Hiền


Bà Lê Thị Liễu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, trên địa bàn huyện hiện có gần 40 trường tiểu học và THCS với 34 nghìn học sinh, nhưng không trường học nào có bể bơi. Toàn huyện chỉ có một bể bơi đủ điều kiện được cấp phép hoạt động.

Theo kế hoạch, Thường Tín sẽ có thêm một bể bơi tại trung tâm thể dục thể thao. Trong bối cảnh này, trước mắt, huyện chỉ biết mong chờ sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc xây dựng bể bơi để đáp ứng nhu cầu học bơi của học sinh.

Quận Cầu Giấy hiện có 5 trường học có bể bơi 4 mùa, có thể phục vụ cho học sinh trong suốt năm học, tuy nhiên, việc thu hút học sinh học bơi còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do nhận thức của phụ huynh. Theo tính toán, số tiền để vận hành cho mỗi bể bơi vào khoảng 100 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ngân sách hạn hẹp, việc huy động xã hội hóa khó khăn, các nhà trường đang đứng trước mối lo phải đóng cửa bể bơi.

Lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cũng đang gặp khó trong việc tìm nguồn kinh phí duy trì hoạt động bể bơi trong trường học. Mới triển khai được vài tháng nay nhưng bể bơi nước nóng của Trường THCS Lê Lợi đã phải tạm dừng hoạt động trước sự phản ứng từ phía phụ huynh. Ước tính, kinh phí vận hành bể bơi của trường mỗi tháng từ 60 đến 100 triệu đồng. Kinh phí hạn hẹp, thu của học sinh thì bị phụ huynh phản ứng, bể bơi của trường đành tạm đóng cửa trong bối cảnh hàng nghìn học sinh trên địa bàn vẫn đang loay hoay tìm chỗ học bơi.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận cho rằng, để triển khai hiệu quả việc dạy bơi cho học sinh, cần sự chung tay của nhiều lực lượng chứ không thể chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách. Vì thế, các cấp, ngành chức năng cần có cơ chế huy động xã hội hóa và phối hợp quản lý, đầu tư để các bể bơi phát huy tối đa hiệu quả. Thực tế trên cho thấy, có lẽ đã tới lúc cần một "nhạc trưởng" điều hành, kết nối các lực lượng trong việc triển khai thực hiện chủ trương phổ cập bơi cho học sinh, không nên để cho các địa phương, cơ sở "tự bơi" như hiện nay.

Năm 2017, Hà Nội đã tổ chức dạy bơi cho gần 104 nghìn học sinh, tỷ lệ học sinh biết bơi sau khi học đạt hơn 90%. Theo kế hoạch, năm nay, Hà Nội sẽ tổ chức cho gần 110 nghìn học sinh học bơi và có hơn 230 bể bơi các loại được sử dụng cho việc này.

Thống Nhất