Bảo đảm chỗ để xe cho người dân tại các khu chung cư
Đời sống - Ngày đăng : 06:56, 07/06/2018
Dù có nhiều nhà cao tầng nhưng chỗ để xe ô tô cho cư dân Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ rất hạn chế.Ảnh: Bá Hoạt |
Nhiều chung cư "quên" nhu cầu để xe
Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội diễn ra nhanh chóng. Hàng loạt chung cư cao tầng, khu đô thị mọc lên kéo theo mật độ dân cư đông đúc, gây áp lực lớn cho cơ sở hạ tầng. Một trong các vấn đề gây không ít bức xúc hiện nay là tình trạng thiếu chỗ để xe.
Mua căn hộ hơn 100m2 và chuyển về sống tại chung cư Capital Garden (102 đường Trường Chinh, quận Đống Đa) từ cuối năm 2016, anh Văn Thắng khá yên tâm khi đã đăng ký và có một suất để ô tô tại tầng hầm tòa nhà. Chung cư Capital Garden được thiết kế, xây dựng có 3 tầng hầm. Anh Thắng cho biết, đến thời điểm này tất cả cư dân vẫn chưa về ở, tuy nhiên hiện các tầng hầm đều đã chật kín ô tô, xe máy. Thậm chí, ban quản lý đã phải bố trí ô tô đỗ dọc theo lối đi.
Trong khi đó, “chậm chân” một chút, chị Thu Hải (chung cư Đại Kim Building - phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) đã phải tự liên hệ tìm chỗ gửi xe bên ngoài, cách khu nhà tới 500m. Chị Hải cho hay, chung cư Đại Kim Building gồm 2 khối nhà 22 tầng, 15 căn/sàn và 1 tầng hầm, đưa vào sử dụng từ đầu năm 2017. Nhưng đến cuối năm, ban quản lý đã thông báo chấm dứt nhận đăng ký gửi ô tô tại tòa nhà do hết chỗ.
Ghi nhận tại khu vực nội thành cho thấy, thiếu chỗ để ô tô là tình trạng chung, diễn ra ở nhiều chung cư cao tầng, đặc biệt là những dự án có mật độ dân cư đông. Thậm chí, tại các khu đô thị như Trung Hòa - Nhân Chính (nằm trên địa bàn 2 quận Thanh Xuân, Cầu Giấy); Đại Thanh (Thanh Trì); Xa La (Hà Đông); Kim Văn - Kim Lũ, Linh Đàm (Hoàng Mai),… có mật độ dân cư đông, nhưng hầu hết không thiết kế và bố trí chỗ để xe ô tô cho cư dân.
Anh Văn Bắc (chung cư HH3B Linh Đàm) bức xúc: “Khu nhà tôi ở mật độ dân cư rất đông nhưng chủ đầu tư chỉ xây dựng một tầng hầm. Tính riêng lượng xe máy cũng không đủ chỗ, nói gì đến chỗ để ô tô. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp lâu dài cho cư dân chung cư có chỗ gửi xe bảo đảm an toàn, thuận tiện”.
Sớm khắc phục sự "lệch pha" giữa quy định và thực tiễn
Tình trạng ô tô đỗ tràn lan tại chung cư cao tầng Khu đô thị Mộ Lao (quận Hà Đông). Ảnh: Thái Hiền |
Theo Công văn 1245/BXD-KHCN (ngày 24-6-2013) của Bộ Xây dựng hướng dẫn chỉ tiêu kiến trúc áp dụng cho công trình nhà ở cao tầng, chỉ tiêu chỗ đỗ xe ô tô phải đáp ứng tiêu chí: Cứ 100m2 diện tích sử dụng nhà ở thương mại bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe và con số này là 12m2 đối với nhà ở xã hội. Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 01:2008/BXD cũng quy định nhu cầu tối thiểu về chỗ đỗ ô tô đối với chung cư cao cấp là 1,5 chỗ đỗ/1 căn hộ. Diện tích tối thiểu cho một chỗ đỗ đối với xe ô tô con là 25m2.
Song, trên thực tế, rất nhiều dự án chung cư cao tầng hiện nay không đáp ứng được các yêu cầu này, nhất là các dự án thuộc phân khúc tầm trung và thấp. Các chuyên gia bất động sản cho hay, phần lớn các dự án chung cư hiện chỉ đáp ứng được chỗ để xe ô tô cho khoảng 20-30% trên tổng số căn hộ.
KTS Nguyễn Huy Khanh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho rằng, đang có sự “lệch pha” giữa quy định và thực tiễn. Nhu cầu gửi xe, đỗ xe cao hơn rất nhiều so với tính toán của các nhà quy hoạch. Bên cạnh đó, số lượng các căn hộ có diện tích 65m2 -75m2 chiếm tỷ lệ lớn, tức là 100m2 sàn nhà bằng 1,7 căn hộ. Ngoài ra, việc tính toán không gian tĩnh phía ngoài công trình chưa chặt chẽ. Tại nhiều dự án, sân, vườn hoa, đường dạo… đang “nhập nhằng” biến thành chỗ đỗ xe.
Trước tình trạng thiếu đất dành cho giao thông tĩnh, ngày 28-8-2017, UBND TP Hà Nội có Công văn 4174/UBND-ĐT khuyến khích các dự án nhà ở, kể cả nhà ở xã hội, tái định cư nghiên cứu bổ sung diện tích tầng hầm, bảo đảm đáp ứng đủ chỗ đỗ xe cho nhu cầu của bản thân công trình theo quy định.
Song, theo các chuyên gia, điều này lại không được các nhà đầu tư mặn mà, bởi giá thành đầu tư xây dựng 1 tầng hầm gần bằng 2 tầng nổi. Nếu thu hồi vốn bằng cách tính vào giá bán chung cư thì chẳng khác nào chủ đầu tư tự cắt bỏ lợi thế của mình so với dự án cùng hạng, còn nếu thu hồi vốn bằng phí trông giữ thì không biết đến khi nào mới đủ chi phí đầu tư.
Do vậy, theo nhiều nhà đầu tư kiến nghị, để thực hiện có hiệu quả quy định đặc thù về quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư, cần có cơ chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời có quy định cụ thể về việc quản lý và sử dụng chỗ đỗ xe trong các chung cư, tránh nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên có thể xảy ra trong tương lai.
Đề xuất giải pháp, bên cạnh việc xử lý vấn đề điểm đỗ đối với các khu đô thị đang quá tải như hiện nay, cần rà soát giao thông tĩnh, các chỗ đỗ xe trong khu đô thị để điều chỉnh hợp lý, KTS Nguyễn Huy Khanh cho rằng, cần thiết phải nâng tiêu chuẩn, chỗ đỗ xe phải được tính toán và quy hoạch chi tiết trên tổng thể mặt bằng, có như vậy quy chuẩn mới sát với thực tế.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Tốc độ đô thị hóa và gia tăng phương tiện quá lớn trong thời gian qua là nguyên nhân chính gây sức ép lớn lên hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trong khi đó, cơ chế, chính sách lại đang đi chậm so với xu thế, cùng với việc thiếu cơ chế, nguồn lực đầu tư xây dựng đã kéo theo những bất cập về nhu cầu chỗ để xe hiện nay tại các chung cư cao tầng. Nếu quy trách nhiệm, tôi cho rằng thuộc về cơ quan quản lý. Quy hoạch về điểm đỗ đã có nhưng nhiều năm qua không thực hiện đúng. Quy hoạch về điểm đỗ trên địa bàn Hà Nội từ năm 1998 đến nay đã có 3-4 lần bị điều chỉnh. Một số dự án bãi đỗ xe bị "phá sản" do nhu cầu khai thác đất đai ở nội đô. |