Nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường
Đời sống - Ngày đăng : 07:16, 07/06/2018
Dù đã có dự án xây dựng cụm công nghiệp làng nghề được phê duyệt vào năm 2013 để di chuyển các hộ này ra xa khu dân cư, bảo đảm môi trường nhưng đến nay vẫn "dậm chân tại chỗ".
Chất thải xả thẳng ra môi trường
Mục sở thị tại khu vực cánh đồng Trường Thi, thôn Công Đình (xã Đình Xuyên) mới thấy sự lo lắng của người dân nơi đây là có căn cứ. Hình thành trên đất nông nghiệp từ năm 1999, trên diện tích đất ruộng 5ha, các cơ sở sản xuất ở đây đều do tư nhân làm chủ.
Toàn bộ nhà xưởng sản xuất đều quây bằng tôn, đơn sơ, bên trong thiếu mọi thiết bị về an toàn phòng chống cháy nổ cũng như thiết bị lọc thải; không khí, nước thải đều xả thẳng ra môi trường. Người dân nơi đây đã có kiến nghị đến các cơ quan chức năng từ năm 2012 đến nay, nhưng mọi việc chưa được giải quyết triệt để.
Các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại thôn Công Đình, xã Đình Xuyên. |
Tại Văn bản kết luận số 177/TB-UBND ngày 5-8-2012 của UBND huyện Gia Lâm nêu rõ: Việc các cơ sở sản xuất gỗ ván ép tại khu vực cánh đồng Trường Thi, Công Đình, xã Đình Xuyên tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang xây dựng nhà xưởng từ năm 1999 đến nay là không đúng quy định tại Điều 37 Luật Đất đai năm 2003; các cơ sở sản xuất hoạt động không có quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường là không đúng quy định tại Điều 18 và Điều 24 Luật Bảo vệ môi trường. Việc để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm thuộc về UBND xã Đình Xuyên.
Tại văn bản này cũng thừa nhận, trong quá trình giải quyết vụ việc, đình chỉ các cơ sở sản xuất khiến hàng trăm lao động bị mất việc làm, không có thu nhập nên người dân đã kéo lên UBND xã kiến nghị cho phép các cơ sở sản xuất được tiếp tục hoạt động.
Trong bối cảnh đó, UBND huyện một mặt báo cáo UBND thành phố về vụ việc, mặt khác yêu cầu Phòng Quản lý đô thị phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và UBND xã khẩn trương tham mưu với UBND huyện để hoàn thiện các thủ tục trình UBND thành phố phê duyệt quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Đình Xuyên.
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên, cho biết: Năm 2013, Dự án xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Đình Xuyên đã được UBND thành phố phê duyệt, quỹ đất 7,8ha tại cánh đồng Mọ, nhưng từ đó đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”...
Cần sớm triển khai dự án
Trên thực tế, Dự án xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Đình Xuyên đã được thể hiện trên bản đồ quy hoạch phân khu N9 quy hoạch sử dụng đất 1/500 xã Đình Xuyên. Ông Nguyễn Trọng Tính cho biết, xã đã làm tốt công tác tư tưởng nên người dân đồng thuận việc bàn giao đất bất cứ lúc nào khi dự án triển khai.
Không những vậy, các hộ dân đang có nhà xưởng sản xuất tại cánh đồng Trường Thi có nguyện vọng sớm được di dời khỏi địa bàn, để tránh gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực; các cơ sở sản xuất này cũng cam kết đóng góp 30-40% kinh phí xây dựng dự án...
Như vậy, việc thực hiện dự án trên thực tế chưa thấy có vướng mắc nào, nhưng vì sao đến nay vẫn chưa triển khai? Đem những băn khoăn này của người dân đến UBND huyện Gia Lâm, phóng viên nhận được thông tin từ ông Hoàng Anh Tú, Chánh Văn phòng UBND huyện.
Theo đó, huyện Gia Lâm mới có Công văn số 1040/UBND-VP ngày 16-5-2018, về việc tăng cường bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự xây dựng trên địa bàn, trong đó giao nhiệm vụ cho các phòng, ban liên quan phối hợp với UBND xã Đình Xuyên tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng đất, công tác bảo vệ môi trường, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy.
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, quản lý đất đai, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất tại xã Đình Xuyên; ngăn chặn phức tạp, mất an ninh trật tự, an toàn trong khi chờ di chuyển các cơ sở sản xuất đến nơi sản xuất tập trung.
"UBND xã cũng đã ban hành Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 7-5-2018, thành lập tổ công tác kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai... đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn để có kết quả báo cáo cấp trên giải quyết. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm triển khai Dự án xây dựng làng nghề Đình Xuyên để di chuyển các cơ sở sản xuất ở thôn Công Đình khỏi địa bàn bằng cơ chế đồng thuận với nguyện vọng của nhân dân về việc đóng góp kinh phí, thúc đẩy dự án sớm thực thi...", ông Nguyễn Trọng Tính cho biết thêm.
Để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đề nghị chính quyền sở tại, các cơ quan chức năng huyện Gia Lâm có các biện pháp hữu hiệu, nhanh chóng triển khai Dự án xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Đình Xuyên và sớm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang tồn tại trong khu dân cư.